Nhiệm vụ khoa học và công nghệ bảo vệ nguồn nước mặt tại chỗ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tỉnh trong vùng xây dựng Đề án Phòng, chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, ĐBSCL có hệ thống sông, kênh rạch dày đặc, với mật độ trên 4 km/km2, gồm hai dòng chính là sông Tiền và sông Hậu, trong đó sông Tiền đóng vai trò khá quan trọng, ngay sau khi phân lưu từ dòng chính Mê Công tại Phnom Penh, nhờ lòng sông rộng hơn nên chuyển tải một lượng nước lớn hơn sông Hậu; sau khi sông Tiền chuyển bớt lưu lượng sang sông Hậu qua Vàm Nao, hai sông mới tạo lập được thế cân bằng. Sau Mỹ Thuận sông Tiền lại chia làm 4 nhánh và đổ ra biển bằng 6 cửa là cửa Tiểu, cửa Đại, cửa Ba Lai (đã xây dựng cống), cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên và Cung Hầu. Sông Hậu chảy tương đối thẳng và chỉ chia 2 nhánh trước khi đổ ra biển chừng 30km qua cửa Định An và Trần Đề (Cửa Ba Thắc đã bồi lấp). Sau Vàm Nao cả sông Tiền, sông Hậu đều rộng và sâu, độ rộng trung bình khoảng 1.000-1.500m, với độ sâu trung bình từ 10-20m, có nơi sâu trên 40m. Tuy nhiên, khi đến các cửa sông, lòng sông được mở rộng và đáy sông được nâng lên, cùng với đó là xuất hiện nhiều các cù lao nhất là vùng cửa sông, tạo ra hình thái lòng dẫn khá phức tạp.
Dòng chảy trung bình của sông Mê Công khoảng 475 tỉ m3/năm, trong đó phần thượng lưu vực ở Trung Quốc đóng góp chỉ 16%, Myanmar 2%, còn lại 82% là từ phần hạ lưu vực ở Lào, Campuchia và Việt Nam. Chế độ dòng chảy ở ĐBSCL do chịu ảnh hưởng của sông Mê Công và chế độ mưa phân mùa nên chế độ dòng chảy có 2 mùa rõ rệt. Lưu lượng năm trung bình dòng chảy vào ĐBSCL là 12.880 m3/s (tương ứng với tổng lượng khoảng 406 tỷ m3) trong đó tại Tân Châu là 10.106 m3/s, tại Châu Đốc là 2.720 m3/s. Tổng lượng dòng chảy năm là 475 tỷ m3. Mùa lũ: Lưu lượng dòng chảy lớn nhất khoảng 40.000-45.000 m3/s, tổng lượng dòng chảy từ 333-404 tỷ m3 (70-85% tổng lượng cả năm), thời gian từ tháng VIII đến tháng XI, ngập úng cao nhất vào cuối tháng IX đầu tháng X. Mùa kiệt: Lưu lượng dòng chảy nhỏ nhất trung bình là 2.500 m3/s, có năm thấp hơn 2.000 m3/s, tổng lượng dòng chảy mùa kiệt khoảng chiếm 15-30%. Tháng IV là tháng có dòng chảy đạt trị số nhỏ nhất trong năm. Qua theo dõi những năm gần đây cho thấy, do tác động của việc điều tiết các hồ chứa ở thượng nguồn, quy luật dòng chảy tự nhiên đã có sự thay đổi rõ rệt, đỉnh lũ trên sông Tiền và sông Hậu thường xuyên xuất hiện muộn hơn và kết thúc sớm hơn (15-20 ngày), mùa kiệt cũng xuất hiện sớm hơn và kết thúc muộn hơn.
Bản đồ hiện trạng nguồn nước mặt tỉnh Bến Tre
Quyết định 1725/QĐ-UBND ngày 27-7-2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc phê duyệt kết quả nhiệm vụ Đánh giá hiện trạng và xây dựng kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt tỉnh Bến Tre tại tài liệu Báo cáo trổng hợp nhiệm vụ đã kết luận: Dưới tác động của BĐKH, phát triển thượng nguồn sông Mê Kông trong các năm tới, dòng chảy mùa cạn sẽ giảm dẫn đến các thách thức và thiếu hụt dòng chảy cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt cho vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng. Theo dự báo: Đến năm 2030, dòng chảy trung bình mùa khô lưu vực sông Cửu Long sẽ giảm 6% so với lưu lượng trung bình mùa cạn tần suất 85%, dòng chảy mùa lũ bình quân tăng 10% so với lưu lượng lũ bình quân ứng với tần suất 1%. Giai đoạn đến năm 2050, dòng chảy trung bình mùa khô lưu vực sông Cửu Long sẽ giảm 20% so với lưu lượng trung bình mùa cạn tần suất 85%, dòng chảy mùa lũ bình quân tăng 20% so với lưu lượng lũ bình quân ứng với tần suất 1%.
Bến Tre có mạng lưới sông ngòi chằng chịt với tổng chiều dài xấp xỉ 6.000 km, mật độ kênh rạch 6.000 km/2.394,8 km2 (2,5 km/km2) với 04 con sông chính là sông Mỹ Tho, sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông, sông Ba Lai và nhiều con sông, kênh, rạch lớn nhỏ khác. Tất cả đều chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam và đổ ra biển Đông. Mùa cạn (từ tháng XII đến tháng V năm sau), sông Tiền được phân phối khoảng 52% lượng nước từ thượng nguồn về. Lượng nước này được phân phối cho các sông chảy qua Bến Tre như sau: Sông Tiền có 1.598 m3/s, trong đó dòng chảy chia ra cửa Tiểu là 236,8 m3/s, cửa Đại là 473,6 m3/s, cửa Ba Lai là 59 m3/s và cửa Hàm Luông là 828 m3/s. Sông Cổ Chiên có 1.480 m3/s, dòng chảy phân phối ra cửa Cổ Chiên là 710,4 m3/s và cửa Cung Hầu là 769,6 m3/s. Về mùa lũ, lượng nước ngọt bên phía sông Tiền chiếm xấp xỉ 52% tổng lượng nước của cả sông Tiền và sông Hậu. Lượng nước này được chia ra như sau: Sông Tiền có 6.480 m3/s, trong đó dòng chảy ra cửa Tiểu là 960 m3/s, cửa Đại là 1.920 m3/s, cửa Ba Lai là 240 m3/s và cửa Hàm Luông là 3.360 m3/s. Sông Cổ Chiên có 6.000 m3/s, dòng chảy phân phối ra cửa Cổ Chiên là 2.880 m3/s, cửa Cung Hầu là 3.120 m3/s. Với lượng nước này, nếu thượng nguồn có những công trình điều tiết, trữ nước mùa lũ, xả nước mùa khô, thì lượng nước mùa khô tăng lên có thể đẩy mặn xuống hạ lưu xa hơn, mực nước trong sông cao hơn, chắc chắn sẽ cải thiện được giao thông thủy và việc cấp nước cho đời sống và sản xuất.
Trong năm 2024, góp phần bảo vệ nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh Bến Tre nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, Sở Khoa học và Công nghệ đã trình cấp có thẩm quyền cho phép triển khai và đã tổ chức nghiệm thu đề tài quan trắc, đánh giá chịu tải và xử lý nguồn nước mặt như: đề tài nghiên cứu chế tạo hệ thống quan trắc độ mặn và đóng mở tự động các cống ngăn mặn sử dụng cảm biến nano. Kết quả đề tài đã thu thập thông tin và dữ liệu liên quan đến các thiết bị và hệ thống cảm biến sử dụng để đo đạc độ mặn, cũng như các công nghệ liên quan đến truyền dữ liệu không dây. Đánh giá hiệu suất của hệ thống quan trắc độ mặn trong cả điều kiện phòng thí nghiệm và thử nghiệm thực tế tại 15 cống ngăn mặn ở huyện Bình Đại, Bến Tre bao gồm độ chính xác, sai số và độ ổn định tín hiệu của hệ thống theo thời gian. Đề tài đã thiết kế chế tạo hệ thống quan trắc độ mặn và đóng mở tự động cống ngăn mặn sử dụng cảm biến nano, có độ sai lệch không vượt quá 10% so với các thiết bị tham chiếu và thời gian truyền dữ liệu lên Web Server tối đa 15 phút.
Với kết quả đề tài Nghiên cứu khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của kênh, rạch, mương trong chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre đã xây dựng phương pháp luận phù hợp cho mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý ô nhiễm hứng tới không phát thải cho các trang trại chăn nuôi heo tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. phương pháp luận giúp đánh giá, lựa chọn các thành phần của mô hình áp dụng cho từng trang trại theo quy mô chăn nuôi. Đề xuất được các giải pháp tổng hợp chuỗi (từ thức ăn, quy trình nuôi, thiết kế chuồng trại, bể biogas, men xử lý mùi,…) nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường nuôi heo trên địa bàn huyện Mỏ Cày Nam. Triển khai thí điểm 03 mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý chất thải theo hướng sinh thái với quy mô vừa, nhỏ và nông hộ.
Đề tài nghiên cứu xây dựng quy trình xử lý nước thải ao nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre với kết quả đã xây dựng được quy trình xử lý nước thải ao nuôi tôm siêu thâm canh tuần hoàn, lượng nước tái sử dụng đạt tối thiểu là 70% khối lượng nước ao nuôi tôm. Góp phần giảm ô nhiễm môi trường do nước thải ao nuôi tôm.