Ngày đăng: 29-07-2020     Tác giả: Nguyễn Thị Nguyệt     Chuyên mục: THÔNG TIN KH&CN

Trong mùa nắng nóng, nông dân một số vùng chủ động được nguồn nước tưới thường phát triển diện tích trồng rau vì trong điều kiện đầy đủ lượng ánh sáng, rau dễ đạt năng suất cao và ít bệnh hại. Trong đó, mướp hương là một loại rau được trồng khá phổ biến. Tuy nhiên, mùa nắng ít bệnh nhưng mướp hương thường bị nhiều loại côn trùng gây hại như bọ rùa 28 chấm, bọ xít mướp và bọ trỉ,  ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng trái.

 

Ấu trùng và trưởng thành bọ rùa 28 chấm

Trưởng thành bọ rùa thiên địch (ăn sâu hại)

 

Bọ rùa 28 chấm có tên khoa học là Epilachna vigintioctopunctana, thuộc họ Bọ rùa. Nông dân thường nhầm lẫn với loài bọ rùa (thiên địch) có lợi, ăn sâu hại chứ không phá cây trồng. Trưởng thành bọ rùa 28 chấm là bọ cánh cứng màu đỏ cam, trên lưng mỗi cánh có 14 chấm màu đen. Bọ trưởng thành hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều tối, trời nắng ẩn dưới tán lá. Trưởng thành đẻ trứng thành từng khóm mặt dưới lá. Trứng màu vàng, hình trụ xếp liền nhau rất đều đặn từ 10-20 trứng. Bọ non màu vàng khi mới nở, trên mình có gai nhỏ mọc thẳng góc với da, đẩy sức dài khoảng 8mm. Sâu non mới nở sống tập trung, sau một thời gian mới phân tán, di chuyển chậm. Bọ trưởng thành và bọ non sống ở mặt dưới lá và cạp lớp biểu bì lá, để lại màng mỏng trắng trên lá, làm giảm quang hợp cho cây. Mật số cao có thể ăn trụi cả lá chỉ còn gân chính, lá khô cong lại, cây sinh trưởng kém, xơ xác.

 

Trưởng thành bọ xít mướp

Ấu trùng Bọ xít mướp

Triệu chứng bọ xít mướp gây hại trên trái

 

Bên cạnh, bọ xít mướp là loài sâu hại rất phổ biến trên mướp hương, nhất là trong mùa nắng. Bọ xít trưởng thành có thân hình tam giác, dài khoảng 17-18mm (khoảng bằng lóng tay út), màu nâu sẫm, mặt lưng phần bụng màu đỏ da cam. Nông dân rất dễ phát hiện trứng của bọ xít vì trứng to, hình trụ và xếp thành hàng dài. Bọ xít non hình dạng giống như con trưởng thành nhưng có màu nâu đỏ, không có cánh hoặc cánh ngắn. Bọ xít hoạt động ban ngày, bọ xít non khi nở ra tập trung quanh ổ trứng. Cả trưởng thành và bọ xít non chích hút nhựa ở thân, cuống lá, nụ hoa và trái non làm cho lá vàng. Trên trái mướp khi bị bọ xít gây hại thường có những dấu chích, chảy nhựa vàng, trái bị eo thắt, cong queo, chẻ ra bên trong thịt có màu nâu ngay dưới vết chích, nông dân thường cho là bị ong đút. Gặp kiện thuận lợi bọ xít phát sinh với mật số cao, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây, làm giảm số lượng và chất lượng trái. Bọ xít mướp gây hại trên các cây họ bầu bí nhưng nhiều nhất là trên cây mướp. Đây là loại côn trùng đa ký chủ và có đời sống rất dài so với các côn trùng khác. Trưởng thành có thể sống đến vài tháng.

 Loài côn trùng cũng phát triển mạnh trên mướp hương trong thời tiết nắng nóng như hiện nay là bọ trỉ. Bọ trỉ chích hút nhựa cây làm cho đọt và lá non bị dủm lại, dây mướp kém phát triển. Mật số bọ trỉ cao làm dây cằn cỗi, chùn đọt, không vươn lóng, lá vàng và khô, hoa rụng, trái ít và nhỏ. Bọ trỉ có khả năng gây hại từ giai đoạn cây con đến khi ra hoa, trái. Bọ trỉ trưởng thành rất nhỏ dài khoảng 1mm, có màu vàng hơi nâu. Ấu trùng có màu vàng nhạt, hầu như trong suốt khi mới nở và giống như trưởng thành nhưng nhỏ hơn và không có cánh. Bọ trỉ sống tập trung mặt dưới đọt non và lá non với mật số rất cao. Cả trưởng thành và bọ trỉ non đều chích hút nhựa cây. Thời tiết càng nóng khô, môi trường càng thiếu nước bọ trỉ càng phát triển mạnh.

 

Triệu chứng bệnh khảm trên mướp hương

Trưởng thành bọ trỉ gây hại trên rau

 

 

Ngoài tác hại trực tiếp là chích hút nhựa, chúng còn là môi giới truyền bệnh khảm cho mướp, đây là bệnh nông dân trồng mướp rất lo ngại vì bệnh do virus gây ra không có thuốc trị. Dây mướp bị bệnh đọt non xoăn lại, lá nhạt màu và lốm đốm vàng loang lổ, các đốt thân co ngắn, phát triển chậm, trái ít và biến dạng, méo mó. Bệnh khảm không có thuốc trị nhưng trừ côn trùng môi giới là biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Do đó, cần áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp ngay từ đầu vụ sẽ hạn chế sự phát triển của bọ xít mướp, bọ rùa 28 chấm và bọ trỉ.

- Vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch cỏ dại trong ruộng mướp và xung quanh;

- Nhổ bỏ và tiêu huỷ các dây mướp bị bệnh khảm;

- Trưởng thành bọ xít mướp rất thích bả chua ngọt (khóm hoặc cam + Regent 0.3G) nên có thể làm bả chua ngọt để nhử và tiêu diệt lúc bọ trưởng thành.

- Thăm ruộng mướp thường xuyên khi phát hiện có sự xuất hiện của các loài côn trùng trên, sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ. Mướp là loại rau được thu hoạch hàng ngày, vì thế khi phun thuốc phải thận trọng để tránh dư lượng thuốc tồn trong trái. Nên chọn những loại thuốc ít độc, có thời gian cách ly ngắn, ưu tiên chọn những loại thuốc sinh học. Phòng trừ bọ xít mướp, bọ rùa 28 chấm, bọ trỉ có thể sử dụng nhóm thuốc có hoạt chất Abamectin (Abatin 5.4EC, Nouvo 3.6EC,…), nhóm thuốc có hoạt chất Spinosad (Success 25SC), nhóm thuốc trừ sâu vi sinh Bt hoặc chế phẩm nấm xanh. Đối với bọ xít mướp nên phun vào lúc chiều mát sẽ đạt hiệu quả cao.

Chú ý: Bọ trỉ có tính kháng thuốc rất cao nên sử dụng thuốc luân phiên. Tuyệt đối khi phun thuốc, phải bảo đảm đúng thời gian cách ly để không ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Ngoài ra, mướp là loại cây rất mẫn cảm với hoá chất, vì thế không được phun quá liều qui định sẽ dễ ảnh hưởng đến cây trồng./.

Nguyễn Thị Nguyệt