Ngày đăng: 22-02-2021     Tác giả: Việt Cường     Chuyên mục: THÔNG TIN KH&CN

Là một trong những sản phẩm trọng điểm của chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Tỉnh, làng Văn hóa du lịch Chợ Lách được xây dựng để trở thành một trung tâm du lịch, tham quan, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí quy mô lớn trên cơ sở khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên và sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù, tạo động lực cho sự phát triển bền vững của ngành du lịch huyện Chợ Lách. Xây dựng và phát triển Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách được chọn là mô hình làng điểm của Đồng bằng sông Cửu Long.

 

 

Làng hoa giấy ấp Lân Đông xã Phú Sơn.

 

Theo quy hoạch của Đề án, Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách là một vòng tròn khép kín với tổng diện tích gần 1.500ha, trong đó có 534ha thuộc 4 ấp: Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành); Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa); Lân Đông (xã Phú Sơn) và An Hòa (xã Long Thới) được chọn là điểm nhấn tạo nền tảng ban đầu để thúc đẩy sự tham gia phát triển Làng Văn hóa du lịch tại địa phương.

Nhìn chung tiềm năng du lịch tại đây rất phong phú và đa dạng với nhiều loại hình có thể khai thác bằng đường sông và đường bộ. Không gian trong làng mang đến cho du khách ấn tượng tốt đẹp về những vườn trái cây trĩu quả, cây giống bạt ngàn, tươi tốt, hoa kiểng rực rõ sắc màu. Chấm phá vào bức tranh thiên nhiên tươi xanh ấy là hình ảnh của những di tích văn hóa, kiến trúc mang tính lịch sử như: nhà bia Trương Vĩnh Ký, nhà Thờ Cái Mơn, nhà Cổ xã Vĩnh Thành, cùng với những làng nghề truyền thống mang nét đặc trưng của Chợ Lách. Hoạt động du lịch trên sông nước, thưởng thức ẩm thực địa phương kết hợp với tham quan, trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa. Tất cả như những mảng ghép tổng hòa để hoàn thiện bức tranh sống động về một Làng Văn hóa du lịch với nhiều tiềm năng cần khai thác.

 

Điểm du lịch xã Vĩnh Thành.

 

Qua khảo sát tại 4 ấp được chọn làm điểm nhấn xây dựng Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách cho thấy hiện tại du lịch ở đây còn mang tính tự phát, chủ yếu dựa vào các hộ kinh doanh riêng lẻ. Khi được giới thiệu ý tưởng Làng Văn hóa du lịch hướng đến gắn kết giữa du lịch và nông nghiệp địa phương thì người dân rất ủng hộ chủ trương và mong muốn xây dựng Làng. Người dân sẵn sàng góp công sức xây dựng cảnh quan cho Làng, tham gia tổ chức các hoạt động trải nghiệm về nghề sản xuất cây giống, hoa kiểng và bày tỏ mong muốn tham gia các dịch vụ kinh doanh ăn uống, trải nghiệm cho du khách.

Ông Nguyễn Thanh Sang - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chợ Lách cho biết, phòng đã tổ chức thông tin về nội dung và những lợi ích thiết thực của đề án đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các ban, ngành, đoàn thể cấp xã và người dân tại địa bàn 4 ấp trong khuôn viên Làng Văn hóa du lịch. Bước đầu đã có 20 hộ dân bày tỏ mong muốn được tham gia làm du lịch phù hợp với điều kiện hộ gia đình. Phòng Văn hóa – Thông tin sẽ mời các chuyên gia trên lĩnh vực du lịch hướng dẫn, tập huấn cho bà con.

Năm 2021, Huyện sẽ triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng cho Làng Văn hóa du lịch, như: nâng cấp, trùng tu nhà bia Trương Vĩnh Ký, lắp đặt hệ thống chiếu sáng ở ấp An Hòa, xã Long Thới; quy hoạch mở rộng Huyện lộ 34, 35 và 37 để đạt tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng; bê-tông hóa 2 tuyến đường đê ấp Đông Kinh và Lân Đông dài khoảng 3,5km để làm tuyến đường đi xe điện, xe đạp cho khách du lịch; xây dựng bến tàu tại khu vực Làng hoa giấy ấp Lân Đông, khu vực cầu Kinh Bảo Vàng và các cổng chào vào Làng Văn hóa du lịch ở ấp Vĩnh Nam, Đông Kinh, An Hòa. Đồng thời tổ chức cho hộ dân làm du lịch đi học tập mô hình du lịch cộng đồng trong và ngoài tỉnh, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư khu nghỉ dưỡng, dịch vụ vui chơi giải trí ở cồn Cái gà xã Long Thới, điểm dừng chân tại Làng Văn hóa du lịch ở xã Vĩnh Thành.

 

Du khách trải nghiệm du lịch trên sông.

 

Trong giai đoạn 2021-2025, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, địa phương, vốn doanh nghiệp và hộ dân, dự kiến sẽ đầu tư khoảng 242 tỷ đồng cho các hoạt động triển khai thực hiện Đề án, xây dựng thương hiệu và xúc tiến truyền thông, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật; xây dựng Trung tâm điều phối làng Văn hóa Du lịch – Trạm dừng chân; tổ chức đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch; xây dựng các dịch vụ du lịch homestay, nghĩ dưỡng và tổ chức các hoạt động của Làng Văn hóa du lịch Chợ Lách.

Xây dựng Làng Văn hóa du lịch huyện Chợ Lách được xác định là nhiệm vụ đột phá của huyện trong giai đoạn 2020-2025. Thực hiện thành công Đề án lớn này có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, tạo điều kiện cho người dân được hưởng lợi từ phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, chỉnh trang cảnh quan môi trường; góp phần tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa và giới thiệu, quảng bá rộng rãi hình ảnh đất và người Chợ Lách đến với du khách gần xa.

          Việt Cường