Tình hình khắc phục sâu đầu đen gây hại cây dừa
Đến quý I năm 2021, tổng diện tích dừa toàn tỉnh đến nay là 73.990 ha, tăng 2,10% (tương ứng tăng 1.520 ha) so cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích dừa xiêm xanh uống nước đã được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” toàn tỉnh hiện nay khoảng 14.130 ha, chiếm 19,10% trong tổng diện tích dừa của tỉnh. Hiện nay, nhiều nhà vườn đang chủ động thay thế dần các cây dừa già cỗi, các loại cây trồng không hiệu quả chuyển sang trồng dừa xiêm xanh do hiệu quả từ loại trái dừa này khá cao, do vậy diện tích dừa này tăng mạnh so cùng kỳ. Tổng sản lượng dừa trong quý báo cáo ước tính được 170.452 tấn (tương đương 170.452 nghìn quả), tăng 2,06% (tương ứng tăng 3.434 tấn) so với cùng kỳ năm trước.
Về tình hình dịch bệnh: trong những tháng gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một loại sâu đầu đen gây hại, lây lan rất nhanh trên vườn dừa và đã được ghi nhận tại 6/9 huyện/thành phố. Đến nay, diện tích nhiễm khoảng 147 ha và đang tăng lên từng ngày nhưng vẫn chưa có loại thuốc phòng trị, tập trung ở các huyện như: Bình Đại 42 ha, Châu Thành 36 ha, Mỏ Cày Nam 29 ha, Mỏ Cày Bắc 25 ha và Thành phố Bến Tre 15 ha. Các ngành chuyên môn đang phối hợp để bàn nhiều biện pháp phòng trị nhằm khống chế sâu đầu đen, trong đó có biện pháp nuôi thiên địch để khắc chế loại sâu này.
Cây dừa bị nhiễm sâu đầu đen
Trước tình hình dịch sâu đầu đen diễn biến phức tạp nhằm ngăn chặn kịp thời dịch sâu đầu đen lây lan trên diện rộng và hạn chế tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đến sự tăng trưởng, cũng như năng suất của cây dừa, đảm bảo thu nhập cho người trồng dừa trên địa bàn tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh và các cơ quan có liên quan tiến hành khẩn trương đặt hàng Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh thực hiện Đề tài cấp tỉnh: “Nghiên cứu đánh giá xác định mức độ gây hại của sâu ăn lá dừa và xây dựng mô hình, đề xuất các giải pháp quản lý và phòng trị theo hướng sinh học an toàn trên địa bàn tỉnh Bến Tre” theo Quyết định số 340/QĐ-UBND ngày 18 tháng 02 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc cho phép triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh.
Nhóm tác giả nghiên cứu đã tiến hành điều tra, thu thập mẫu tại các vườn dừa có sâu hại gây bệnh trên địa bàn của 3 huyện Mỏ Cày Nam, Châu Thành và Bình Đại. Tiến hành thu thập mẫu tại các huyện để nhân nuôi và xác định đặcđiểm sinhhọc của loài sâu ăn lá tại Phòng thí nghiệm Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh. Triển khai thu thập nguồn thiên địch (ong ký sinh và bắt mồi) và nhân nuôi các loài thiên địch vũ hóa. Nhóm tác giả đã thu thập được 3 loài ong ký sinh nhộng, 2 loài ong ký sinh ấu trùng và 3 loài thiên địch ăn mồi của sâu ăn lá dừa, hiện đang tronggiai đoạn định danh xác định loài.
Sâu đầu đen đang ăn lá dừa
Ngành Nông nghiệp tích cực phối hợp triển khai các biện pháp để quản lý sâu đầu đen như đã biên soạn quy trình quản lý tạm thời sâu đầu đen; tổ chức 10 cuộc tập huấn triển khai biện pháp quản lý tạm thời sâu đầu đen tại Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm; đã mời 07 Công ty chế biến dừa trong chuỗi họp bàn phương án quản lý sâu đầu đen hiệu quả bằng biện pháp sinh học; mời các chuyên gia cùng tham gia nghiên cứu để tìm ra biện pháp phòng trị theo hướng sinh học, an toàn. Dự kiến sẽ bắt đầu tiến hành dập dịch từ đầu tháng 4/2021.
Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đang tiến hành các thủ tục trình Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét hỗ trợ nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu để tìm ra biện pháp phòng trị theo hướng sinh học, an toàn với quy mô và phạm vi toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực nhằm nâng cao năng lực và chủ động phòng trừ các loài sâu ăn lá có liên quan đến cây dừa trong thời gian tới, đảm bảo nền nông nghiệp sản xuất năng suất cao, có hiệu quả, sạch, hữu cơ và phát triển bền vững sau này. Nhiệm vụ này không chỉ là trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ đối với cộng đồng trồng dừa của tỉnh Bến Tre mà của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đặng Văn Cử