Đề xuất quy trình tái đàn heo sau bệnh dịch tả heo châu Phi
Bến Tre là tỉnh có số lượng đàn heo rất lớn trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với tổng đàn heo tại thời điểm tháng 06/2019 là 646.686 con, trong đó số lượng heo thịt: 450.500 con, heo nái: 75.120 con, heo đực giống: 910 con. Ổ dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) xuất hiện đầu tiên ngày 27/6/2019 tại xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Tính đến 26/12/2019 bệnh đã lan ra 250 ấp, khu phố thuộc 84 xã, phường thị trấn của 9 huyện, thành phố với tổng số heo tiêu hủy bắt buộc là 42.627 con/1.181 hộ chăn nuôi heo mắc DTHCP trên địa bàn toàn tỉnh (Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre, 2020).
Đa số các hộ chăn nuôi heo có bệnh DTHCP là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, một số hộ thải chất thải chăn nuôi ra sông, vứt heo bệnh chết ra sông và phần lớn các hộ nuôi heo chưa áp dụng an toàn sinh học trong chăn nuôi. Mặt khác, người chăn nuôi sử dụng nước mặt sông, ao hồ vệ sinh chuồng trại và chăn nuôi heo, đây là yếu tố nguy cơ quan trọng lây lan dịch bệnh. Trước diễn biến phức tạp của bệnh DTHCP, kết hợp với tình trạng lưu thông, vận chuyển heo từ ngoài tỉnh nhập về Bến Tre hoặc vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ, nên nguy cơ xâm nhiễm lây lan bệnh DTHCP vào tỉnh là rất cao. Song song đó, bệnh DTHCP chưa có thuốc điều trị, chưa có vaccine phòng bệnh, vi rút tồn tại ngoài môi trường lâu, đường lây truyền bệnh rất phức tạp và người chăn nuôi tái đàn sau dịch bệnh đe dọa nghiêm trọng nghề chăn nuôi heo của tỉnh. Tình hình trên cho thấy việc phòng, chống bệnh DTHCP là một yêu cầu cấp thiết và bệnh DTHCP vẫn là mối lo ngại hàng đầu của những người chăn nuôi heo.
Trước tình hình cấp thiết nêu trên, đề tài “Giải pháp quản lý, phòng chống bệnh dịch tả heo Châu Phi tại tỉnh Bến Tre” do Tiến sĩ Trương Văn Hiểu, Trường Đại học Trà Vinh và nhóm nghiên cứu thực hiện, đã được Hội đồng khoa học và công nghệ đánh giá nghiệm thu ngày 13 tháng 01 năm 2021. Kết quả nghiên cứu là những thông tin khoa học có giá trị, đề xuất quy trình tái đàn heo sau bệnh DTHCP để các hộ chăn nuôi trong tỉnh thực hiện phòng chống bệnh DTHCP kịp thời và hiệu quả nhất.
Điều kiện tái đàn: (1) Tại cơ sở chăn nuôi không có bệnh dịch tả heo Châu Phi (DTHCP) hoặc có bệnh DTHCP nhưng đã tiêu hủy heo bệnh và vệ sinh sát trùng tiêu độc qua 21 ngày. (2) Chính quyền địa phương đã công bố hết dịch bệnh và cho tái đàn.
Nuôi tái đàn heo tại cơ sở chăn nuôi (ảnh minh họa từ internet)
Đề xuất quy trình tái đàn
Cơ sở lý thuyết tái đàn heo như sau:
Theo lý thuyết sự lây truyền bệnh trên đàn heo theo sơ đồ:
Để thực hiện tái đàn thành công, chúng ta phải cắt đứt 02 khâu trong sơ đồ trên. (1) Cắt đứt nguồn bệnh: Tiêu hủy heo bệnh, tổng vệ sinh, tiêu độc, sát trùng; (2) Cắt đứt, kiểm soát sự truyền lây bệnh từ: Con giống, thức ăn, con người, côn trùng,… (3) Tăng sức đề kháng cho động vật cảm nhiễm: Tiêm phòng đầy đủ bệnh truyền nhiễm, bổ sung liên tục beta-glucan tăng sức đề kháng nhằm làm mất tính cảm nhiễm với bệnh.
Bước 1: Tiêu hủy đàn heo bệnh, loại thải đàn heo khỏe cùng trại
Kiên quyết tiêu hủy toàn bộ đàn heo bệnh, loại thải đàn heo khỏe cùng trại nhằm cô lập và cách ly mầm bệnh, hạn chế lây nhiễm mầm bệnh ra môi trường bên ngoài theo Quyết định 01/BCĐ.PCDBĐV ngày 30/05/2019 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh Bến Tre. Đối với chăn nuôi trang trại số lượng lớn có nhiều dãy chuồng riêng biệt thì tiêu hủy toàn bộ heo trong chuồng của dãy chuồng có heo bệnh; các dãy chuồng còn lại loại thải toàn đàn hoặc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học và lấy mẫu giám sát định kỳ. Nếu phát hiện dương tính hoặc xét thấy có nguy cơ lây nhiễm cao thì tiêu hủy toàn trang trại.
Bước 2: Vệ sinh, khử trùng và tiêu độc
Rửa sạch chất thải, bụi,… bám vào kho thức ăn, chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi (Máng ăn, vòi uống, bóng đèn,…), trên trần chuồng nuôi, hành lang xung quanh chuồng nuôi và cống, rãnh thoát chất thải…. Sát trùng tiêu diệt mầm bệnh DTHCP: dùng sút (NaOH) pha 04 kg + 96 lít nước cho 100m2 hoặc vôi bột sống (04 kg/100m2) dùng thùng vòi sen tưới ướt đều trên nền chuồng, sàn chuồng, vách tường, hành lang, đường thoát chất thải và ngâm với dung dịch NaOH trong 24h, sau 24 giờ, sau đó rửa sạch bằng nước sạch và để khô nước. Sát trùng, tiêu độc chuồng nuôi, kho thức ăn, hố sát trùng ra vào trại, …. bằng thuốc sát trùng chuồng trại Benkocid (Benzalkonium chloride, Glutaraldehyde) hoặc Iodine. Định kỳ 01 lần/tuần sát trùng chuồng trại thường xuyên tùy theo tình hình dịch bệnh trong vùng.
Bước 3: Để trống chuồng, cô lập, cách ly mầm bệnh.
Để trống chuồng ít nhất 03 tuần liên tục, cô lập, cách ly trại heo với bên ngoài và kiểm soát các yếu tố nguy cơ nhằm đảm bảo không có sự xâm nhập của mầm bệnh vào trại sau khi loại trừ heo bệnh và vệ sinh sát trùng đầy đủ. Thực hiện vệ sinh, sát trùng, tiêu độc lại trước khi thả heo nuôi; sau đó lấy mẫu môi trường nền chuồng, kho thức ăn, dụng cụ chăn nuôi xét nghiệm vi rút gây bệnh DTHCP cho kết quả âm tính.
Bước 4: Chăm sóc nuôi heo tái đàn
Con giống khỏe mạnh, sạch bệnh, không nhiễm bệnh DTHCP sẽ được nhập trại nuôi tái đàn. Thức ăn, nước uống có nguồn gốc và đảm bảo vệ sinh thú y. Bổ sung liên tục chế phẩm beta-glucan tăng sức đề kháng cho đàn heo. Tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm cho đàn heo. Thực hiện phương thức chăn nuôi heo “cùng vào-cùng ra”.
Bước 5: Nuôi tái đàn thử nghiệm
Từng bước nuôi thử tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh DTHCP, khi đó mới tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở. Nếu thất bại, làm lại từ bước 1.
Bước 6: Tái đàn hoàn toàn
Thực hiện tái đàn với số lượng 100% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở. Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi cả trong và ngoài trại. Nếu thất bại, làm lại từ bước 1.
Tóm tắt sơ đồ tái đàn heo sau bệnh dịch tả heo Châu Phi
Nguyễn Thanh Tùng
Trung tâm Khoa học và Công nghệ Bến Tre