Ngày đăng: 25-10-2021     Tác giả: Đặng Văn Cử     Chuyên mục: THÔNG TIN KH&CN

Rô đồng là loài cá nước ngọt phổ biến nhất ở ao hồ và đồng ruộng miền Nam. Đối với vùng trũng như lạc địa rất thích hợp. Đây là loài cá ăn thiên về động vật, và có cơ quan thở khí trời, nhờ vào các gai trên nắp mang nên chúng có khả năng di chuyển trên cạn rất lâu, nhất là khi mang trứng chúng tìm cách leo ra ngoài, do đó nuôi chúng phải có lưới rào. Quy trình kỹ thuật nuôi đơn giản, yêu cầu về thức ăn đủ lượng và chất, định kỳ thay nước thường xuyên để kích thích cá bắt mồi nhiều nhanh lớn.

 

Cá rô đồng thương phẩm

 

Qui trình sản xuất lúa trong ruộng có nuôi cá

Lúa được sạ hàng hoặc cấy thưa, không được sạ theo kiểu thông thường của nông dân trước đây. Vì nếu lúa sạ lan thì lúa sẽ mọc dày đặc không có đường cho cá đi lại kiếm ăn.

Mỗi ha lúa chỉ cần 100 kg lúa giống là đủ, các biện pháp cày trục như ruộng bình thường, sau khi cải tạo ruộng xong rút cạn nước, đặc biệt đối với lúa sạ hàng thì mặt ruộng phải được san lắp thật bằng phẳng tránh còn đọng nước (những chổ còn đọng nước lúa sẽ không lên). Chuẩn ruộng xong thì tỉa giống ngay.

Thời vụ xuống giống thường từ tháng 05 - tháng 06 dương lịch hàng năm, sau khi tỉa giống 10 ngày thì bơm nước vào, bón phân lần đầu cho lúa.

Qui trình bón phân vụ hè như sau (tính cho 01 ha diện tích lúa):

Lúa từ 7-10 ngày : 30 kg urê +60 kg dap +30kg clorua kali

Lúa từ 20-30 ngày: 60 kg urê +40kg dap +30kg clorua kali

Lúa từ 50-70 ngày: 40kg urê +30 kg kali

Lúa từ 80-90 ngày: 20 kg urê +Nitrat kali phun 02 đợt trước và sau trổ 07 ngày, lượng phun 100gam/bình 8lít, 04 bình /công.

Ứng dụng qui trình IBM trong suốt quá trình sản xuất lúa

Mức nước trong ruộng phải điều chỉnh phù hợp với chiều cao của lúa, khi lúa đủ chiều cao thì mức nước trên ruộng phải đạt thấp nhất là 30cm để tạo điều kiện thuận lợi cho cá lên ruộng kiếm ăn. Mức nước nầy phải giữ trong suốt quá trình nuôi cá.

Đến khi thu hoạch lúa xong thì không cần cấy lúa lại, chỉ để lúa chét làm thức ăn cho cá, đồng thời tạo địa bàn cho cá hoạt động.

Xây dựng Quy trình kỹ thuật nuôi cá đồng trong ruộng lúa

Quy trình kỹ thuật nuôi đơn giản, yêu cầu về thức ăn đủ lượng và chất, định kỳ thay nước thường xuyên để kích thích cá bắt mồi nhiều nhanh lớn.

Thiết kế ruộng nuôi

Mương có độ sâu 1m, rộng mặt 5m, rộng đáy 3m, trên bờ có chừa lưu không từ 0,5m trở lên để đi lại dễ dàng. Bờ có độ cao cao hơn mức nước cao nhất hàng năm là 0,5m, trên bờ phải có chắn lưới, chiều cao của lưới đạt 0,4m.

Diện tích mương phải đảm bảo đạt 30% tổng diện tích ruộng nuôi, mức nước trên ruộng phải đạt 0,3m.

Mỗi ruộng nuôi phải có 2 cống cấp thoát nước hẳn hoi, cống cấp cao hơn cống thoát 0,2m để tháo nước dễ dàng.

Kỹ thuật nuôi

Vì nuôi chung với lúa nên quy trình nuôi phụ thuộc hoàn toàn vào quy trình sản xuất lúa. Lúa phải sạ hàng hoặc cấy thưa, sau khi cấy lúa hoặc sạ nửa tháng bơm nước vào thả cá. Cấp nước cho lúa từ từ tuỳ theo tuổi của lúa cho đến khi mức nước trên ruộng đạt 0,3m. Trong suốt vụ lúa luôn ứng dụng qui trình IBM (không phun thuốc trừ sâu).

Mật độ thả 5con/m2 ruộng, cỡ cá từ 300 - 500 con/kg. Ngoài ra, để tận dụng hết thức ăn trong môi trường có thể thả xen thêm các loài cá nước ngọt khác 5% như mè, chép, chim trắng, phi ...

Chăm sóc và quản lý

Thức ăn gồm tấm, cám, cá vụn, ốc bưu vàng, ruốt, bèo, trứng kiến, mối ... sau cho kết cấu thành phần thức ăn đạt 40% là chất đạm.

Khẩu phần ăn 3-5% trọng cả đàn cá/ngày

Thường xuyên kiểm tra cống, lưới rào để tránh thất thoát cá.

Hàng ngày sau khi cho ăn 2 giờ kiểm tra sàn ăn để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.

Định kỳ 7 - 10 ngày thay nước một lần để kích thích cá bắt mồi mạnh mau lớn, theo dỏi tình hình hoạt động của cá để phát hiện kịp thời và có biện pháp phòng, trị bệnh. Sau 5- 6 tháng nuôi thì tiến hành thu tỉa.

Đặng Văn Cử