Phát triển sản phẩm OCOP Bến Tre 2024
Khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, chuyển đổi số, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường,... góp phần xây dựng nông thôn mới tỉnh Bến Tre đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Nhìn lại Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tiếp tục được tập trung triển khai và đạt kết quả tốt. Năm 2023, có 62 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, gồm: chứng nhận mới, tái chứng nhận và sản phẩm nâng cấp sao với 28 chủ thể; lũy kế đến nay đã có 244 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên với 105 chủ thể. Lần đầu tiên tỉnh Bến Tre có 4 sản phẩm OCOP đạt 5 sao là kẹo dừa ca cao, kẹo dừa sầu riêng lá dứa, kẹo dừa gừng, kẹo dừa sầu riêng của Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh tổng hợp Đông Á.
Kế hoạch số 596/KH-UBND ngày 30-01-2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bến Tre năm 2024 đặt ra mục tiêu về nâng cao năng lực thực hiện có 100% cán bộ các cấp phụ trách về Chương trình OCOP và chủ thể sản xuất có sản phẩm OCOP tham gia Chương trình được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức các chuyên đề thuộc Chương trình OCOP.
Một số sản phẩm OCOP đã được công nhận 4 sao có tiềm năng đạt 5 sao
Phát triển sản phẩm OCOP có 45 sản phẩm tham gia chu trình đánh giá sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, bao gồm chứng nhận mới, tái chứng nhận và nâng cấp sao; tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ đối với 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã trình tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia, phát triển mới 10 sản phẩm 5 sao (hoặc tiềm năng 5 sao).
Ưu tiên phát triển đối với các chủ thể là hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó phấn đấu có 20% chủ thể là hợp tác xã. Có ít nhất 10% chủ thể làng nghề có sản phẩm OCOP được công nhận, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương.
Tạo cầu nối, liên kết, quảng bá và xúc tiến thương mại hỗ trợ cho các chủ thể tiếp cận với các kênh bán hàng, sàn giao dịch điện tử nhằm tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Phấn đấu xây dựng 05 cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các huyện, thành phố.
Đối với nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và
điểm du lịch phấn đấu có 02 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ chủ thể sản xuất thiết kế sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP. Hướng dẫn địa phương, hỗ trợ chủ thể sản xuất đăng ký quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến các sản phẩm OCOP, tư vấn định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP, mã số, mã vạch, ghi nhãn hàng hóa.