Ngày đăng: 15-07-2024     Tác giả: Đông Quân     Chuyên mục: THÔNG TIN KH&CN

Năng suất lao động là một chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa là một trong những thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa các quốc gia, giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc gia. Năng suất lao động là yếu tố quyết định thành công hay thất bại của từng quốc gia, dân tộc trong quá trình phát triển. Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đặt ra những tiêu chuẩn cao về mặt thể chế, chất lượng quản lý nhà nước cũng như khuôn khổ pháp luật, bao trùm các nguyên tắc về thương mại, đầu tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn, sở hữu trí tuệ và nhiều vấn đề khác, tạo áp lực cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, đồng thời đặt ra không ít thách thức đối với nền kinh tế. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vừa là chìa khóa quan trọng tăng năng suất lao động trong nội tại nền kinh tế, vừa là yếu tố nền tảng quyết định năng lực của một quốc gia trong việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Để thúc đẩy nâng cao năng suất lao động dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31-8-2020 phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030; Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11-01-2021 phê duyệt Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 08-11-2023 phê duyệt Chương trình quốc gia tăng năng suất lao động đến năm 2030.

Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 24 chuyên gia năng suất Việt Nam được Tổ chức năng suất Châu Á chứng nhận đáp ứng theo tiêu chuẩn chuyên gia năng suất quốc tế; hình thành được 10 chương trình đào tạo năng suất chất lượng cho sinh viên các khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, luật, kỹ thuật - công nghệ trên cả nước; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về các công cụ, giải pháp năng suất cho hơn 3.500 sinh viên, giảng viên theo hình thức trực tiếp, hơn 6.800 sinh viên, giảng viên theo hình thức trực tuyến tại các trường đại học, cao đẳng.

 

Họa đồ nhận diện Bộ công cụ VIPA

 

Hỗ trợ hơn 150 doanh nghiệp tại các Khu công nghiệp trọng điểm trong cả nước áp dụng đồng bộ các hệ thống quản lý và công cụ cải tiến năng suất; ứng dụng công cụ LEAN tích hợp với số hóa trong dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú, chế biến sản phẩm từ cao su tự nhiên và gỗ; hỗ trợ cho hơn 200 doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn ISO 45001 về an toàn sức khỏe và nghề nghiệp, ISO 27001 an toàn thông tin, ISO 31000 về quản lý rủi ro; ISO 17025 cho phòng thử nghiệm.

Các bộ ngành, địa phương nguồn cũng tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ hơn 1.896 doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và lồng ghép với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác của địa phương.

Từ năm 2021, Bộ công cụ đánh giá hoạt động quản lý năng suất và mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp hướng đến chuyển đổi số và sản xuất thông minh (ViPA) với 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước sử dụng để tự đánh giá. Có 93 doanh nghiệp trong ASEAN dùng ViPA để tự đánh giá về mức độ sẵn sàng cho sản xuất thông minh, góp phần xây dựng “Lộ trình, giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh cho các quốc gia ASEAN”, là sáng kiến trong năm Chủ tịch ASEAN do Bộ KH&CN đề xuất và chủ trì, được các nước ASEAN phê duyệt.

Mặc dù đã có nhiều cải thiện nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Trong giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ tăng năng suất lao động thấp hơn mục tiêu đề ra là 5,5%/năm. Xét theo giá trị tuyệt đối, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các nước trong khu vực; khoảng cách về năng suất lao động và trình độ phát triển giữa các vùng, miền, khu vực còn khá lớn; các yếu tố nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy tăng năng suất lao động nhanh và bền vững vẫn còn gặp nhiều trở ngại, vướng mắc. Do đó, trong giai đoạn tới, các giải pháp, chính sách thúc đẩy năng suất lao động dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần tiếp tục được tăng cường, thúc đẩy để tạo ra tác động toàn diện, tích cực và đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tế và yêu cầu phát triển của Việt Nam trên đà hội nhập với sự phát triển của thế giới.