Ngày đăng: 09-08-2024     Tác giả: Long Vân     Chuyên mục: THÔNG TIN KH&CN

Thời gian qua, dịch Covid-19 lan rộng trên toàn cầu đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên thế giới nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Sức ép về cạnh tranh, thanh lọc ngày càng gia tăng cộng thêm cú sốc về kinh tế do Covid-19 gây ra đã khiến cho nhiều doanh nghiệp chao đảo. Bên cạnh đó Cách mạng 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức về tiềm lực cơ sở vật chất, chiến lược phát triển của doanh nghiệp, trình độ và tay nghề của người lao động. Trước tình hình đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai chương trình: “Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng năng suất trong và sau dịch Covid-19 dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin”, theo đó Viện Năng suất Việt Nam đã và đang triển khai nhiều giải pháp khác nhau trong đó có “Bộ công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp hướng đến chuyển đổi số và sản xuất thông minh (ViPA)”. Và cũng để bắt kịp và hòa nhập vào cuộc cách mạng 4.0, các doanh nghiệp cần xác định hiện trạng, đổi mới trình độ quản trị doanh nghiệp, đảm bảo sẵn sàng cơ sở nền tảng để tiếp thu, hấp thụ và làm chủ làn sóng công nghệ mới.

Đây là giải pháp đang được triển khai trực tuyến tại: http://vipa.vnpi.vn để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp nhìn nhận thực trạng về quản trị doanh nghiệp, năng suất, nền tảng hạ tầng và chuẩn bị các sáng kiến chuyển đổi doanh nghiệp thông qua việc tự đánh giá để nhận được khuyến nghị về tầm nhìn và lộ trình chuyển đổi phù hợp từ Viện Năng suất Việt Nam.

Mô hình để đánh giá sự sẵn sàng - mức độ đáp ứng của doanh nghiệp trên hành trình đến với Công nghiệp 4.0 - của các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam. Mô hình được xây dựng dựa trên bốn trụ cột chính: quản lý doanh nghiệp; quản lý năng suất; nền tảng cơ sở vật chất cho chuyển đổi số; sản xuất thông minh.

 

 

Mô hình công cụ đánh giá ViPA

 

Mỗi trụ cột này được chia thành 04 nội dung sâu hơn, lần lượt được đánh giá bằng 16 chỉ số thích hợp. 16 chỉ số này tạo thành cơ sở để đo mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp với chuyển đổi số và sản xuất thông minh. Dữ liệu được sử dụng trong bộ công cụ này được thu thập thông qua cuộc khảo sát online của doanh nghiệp. Trong trường hợp Doanh nghiệp cần tìm hiểu sâu hơn về các tiêu chí, chuyên gia của Viện Năng suất sẽ tiến hành đánh giá trực tiếp tại doanh nghiệp và tư vấn cho doanh nghiệp về lộ trình tiến tới chuyển đổi số và sản xuất thông minh.

Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 5 cấp độ (1 đến 5) bao gồm các yêu cầu tối thiểu phải được đáp ứng để hoàn thành cấp độ. Cấp độ 1 mô tả những những doanh nghiệp không làm gì hoặc rất ít/ hoặc chưa có nền tảng gì để chuẩn bị cho chuyển đổi số. Cấp độ 5 mô tả những doanh nghiệp thực hành tốt nhất - những doanh nghiệp đã thực hiện thành công tất cả các hoạt động của doanh nghiệp chuyển đổi số. Cấp độ 5 của mô hình cũng mô tả trạng thái thực hiện đầy đủ tầm nhìn mục tiêu, khi toàn bộ chuỗi giá trị được tích hợp trong thời gian thực và có thể tương tác với nhau.

Tầm nhìn 4.0 và lộ trình để đạt được tầm nhìn này sẽ khác nhau đối với mỗi doanh nghiệp. Không phải mọi doanh nghiệp đều có tham vọng ngắn hạn là thực hiện tầm nhìn mục tiêu đầy đủ của công nghiệp 4.0. Các doanh nghiệp xác định các mục tiêu tạm thời và cuối cùng của họ dựa trên nền tảng và hiện trạng của chính họ. Vì lý do này, mô hình cho phép phân biệt rõ ràng bởi các khía cạnh đã nói ở trên.

Để đánh giá trụ cột quản lý doanh nghiệp phải thông qua 4 nội dung: sự lãnh đạo, khách hàng, nguồn nhân lực và văn hóa đổi mới. Về trụ cột quản lý năng suất, doanh nghiệp hướng đến Công nghiệp 4.0 luôn lấy năng suất, chất lượng làm giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, đồng thời khám phá các cơ hội nhằm gia tăng giá trị cho doanh nghiệp thông qua các quá trình sản xuất hiệu quả và thông minh hơn. Có 04 yếu tố về Quản lý năng suất của doanh nghiệp được đánh giá, đó là: tiêu chuẩn/công cụ quản lý, mức độ áp dụng, kiểm soát quá trình, đo lường hiệu suất.

Về trụ cột nền tảng kỹ thuật số: Các doanh nghiệp muốn kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong việc mở rộng quy mô kinh tế và tăng năng suất nhờ những tiến bộ công nghệ thì đổi mới, chuyển đổi kỹ thuật số được cho là sẽ thay đổi hầu hết các hình thức sản xuất và thương mại truyền thống cũng như định hình lại nền kinh tế thế giới. Do đó, chuyển đổi kỹ thuật số đã trở thành xu hướng phát triển chính của nhiều quốc gia trên thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cũng nằm trong xu hướng đó. 04 yếu tố đánh giá trụ cột này bao gồm: nền tảng cơ sở vật chất, chiến lược cho chuyển đổi số của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số trong doanh nghiệp, quản lý hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.

Và trụ cột cuối cùng các doanh nghiệp phải đánh giá là trụ cột sản xuất thông minh. Việc áp dụng sản xuất thông minh sẽ làm thay đổi hiệu quả nền kinh tế, làm tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh, nhờ đó tiết kiệm được nhiên liệu, nguyên liệu và chi phí nhân công cho từng sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế và giải phóng sức lao động. Sản xuất thông minh bao gồm các dây chuyền sản xuất, trang thiết bị công nghệ máy móc thông minh và hệ thống quản lý điều hành thông minh (nhân lực trình độ cao). Các doanh nghiệp sản xuất phải tích hợp được 2 phần này để tạo nên các nhà máy thông minh. Các tiêu chí cần thiết để đánh giá như: sử dụng hệ thống cảm biến để giám sát quá trình (sensor), xây dựng các giải pháp công nghệ thông tin để khai thác và quản lý dữ liệu, tổng hợp và xây dựng cơ sở dữ liệu dựa trên nền tảng dự toán đám mây, ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 để khai thác dữ liệu, quản lý doanh nghiệp

 

Biểu đồ kết quả đánh giá 16 chỉ số theo VIPA tại 1 doanh nghiệp

 

Từ năm 2021, Bộ công cụ ViPA đã có 500 doanh nghiệp trong và ngoài nước sử dụng để tự đánh giá. Có 93 doanh nghiệp trong ASEAN dùng ViPA để tự đánh giá về mức độ sẵn sàng cho sản xuất thông minh, góp phần xây dựng “Lộ trình, giải pháp thúc đẩy sản xuất thông minh cho các quốc gia ASEAN”, là sáng kiến trong năm Chủ tịch ASEAN do Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất và chủ trì, được các nước ASEAN phê duyệt.