Ngày đăng: 19-08-2024     Tác giả: Phương Thảo     Chuyên mục: THÔNG TIN KH&CN

Sáng 16-8-2024, tại TTC Palace, UBND tỉnh Bến Tre chủ trì, phối hợp Trường Đại học Cần Thơ, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức Hội thảo khoa học ngành dừa với chủ đề “Bến Tre phát triển xanh và bền vững, hướng tới net zero”. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ KH&CN Hoàng Minh; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thanh Lâm; Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam; PGS.TS Trần Trung Tính – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ; GS. TS Hà Thanh Toàn - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ chủ trì hội thảo.

 

Chủ trì hội thảo. (Ảnh: Phương Thảo)

 

Tham dự hội thảo còn có đại biểu các tổ chức quốc tế, chuyên gia nước ngoài: Tổng Lãnh sự Indonesia tại TP. Hồ Chí Minh; Lãnh sự phụ trách Kinh tế đối ngoại Indonesia; Tổng lãnh sự danh dự - Cộng hòa Philippines tại TP. Hồ Chí Minh; Tổng Lãnh sự Trung quốc tại TP. Hồ Minh; Phó Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các cơ quan/tổ chức quốc tế; đại biểu các tỉnh, thành phố các tỉnh trồng dừa; các chuyên gia, nhà khoa học, quý doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết: Tính đến tháng 6/2024, diện tích dừa của Bến Tre hơn 79.000 ha, lớn nhất cả nước, Bến Tre được mệnh danh là "Xứ sở dừa Việt Nam” giúp địa phương thu về hơn 500 triệu USD mỗi năm. Theo các nhà nghiên cứu, với diện tích dừa trên 79.000 ha, Bến Tre có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2 - (chưa kể cây dưới tán dừa). Ngành nông nghiệp rất có tiềm năng tham gia thị trường tín chỉ carbon, cũng như hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chống biến đổi khí hậu.

 

Lãnh đạo tỉnh tham quan triễn lãm ngành dừa. (Ảnh: Phương Thảo)

 

“Hội thảo được tổ chức với mục tiêu trao đổi kiến thức về những định hướng nghiên cứu mới trong việc khai thác những tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của ngành dừa tỉnh Bến Tre trong bối cảnh hội nhập quốc tế, làm nền tảng xây dựng các giải pháp phù hợp nâng cấp chuỗi giá trị dừa của tỉnh trong thời gian tới; đồng thời, nắm bắt cơ hội mới trong việc xây dựng tín chỉ carbon cho ngành dừa”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam nêu.

Tại hội thảo, quý lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tham gia tham luận, đánh giá đầy đủ, sát hợp các nội dung về  vai trò, vị trí cây dừa ở Việt Nam và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cây dừa, tiềm năng lưu giữ carbon của cây dừa hướng đến nền sản xuất carbon thấp; vai trò của cây dừa trong phát triển nông nghiệp Việt Nam; khả năng phát triển ngành dừa phát thải thấp và hướng đến thị trường carbon cho cây dừa; đồng thời, hoạch định các chính sách phát triển bền vững ngành dừa.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Phương Thảo)

 

Theo PGS.TS Trần Trung Tính – Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ: Một giá trị mới, quan trọng của cây dừa chính là tiềm năng lưu giữ carbon, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính và hướng đến nền sản xuất carbon thấp. Việc tận dụng tiềm năng lưu giữ carbon của cây dừa không chỉ góp phần vào chiến lược giảm phát thải của Việt Nam, mà còn mở ra những cơ hội kinh tế mới thông qua việc phát triển các thị trường tín chỉ carbon. Điều này không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập mà còn tạo động lực thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào các công nghệ sản xuất xanh, thân thiện với môi trường.

Để phát huy tối đa tiềm năng của cây dừa, việc xây dựng và phát triển các mô hình canh tác bền vững, thân thiện với môi trường là vô cùng cần thiết. Các mô hình này không chỉ tập trung vào việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, mà còn hướng tới việc giảm thiểu tác động môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và duy trì sự cân băng sinh thái.

Bên cạnh, quý lãnh đạo, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tham luận, đánh giá đầy đủ, sát hợp các nội dung về vai trò, vị trí cây dừa ở Việt Nam và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của cây dừa, tiềm năng lưu giữ carbon của cây dừa hướng đến nền sản xuất carbon thấp; khả năng phát triển ngành dừa phát thải thấp và hướng đến thị trường carbon cho cây dừa, đồng thời, hoạch định các chính sách phát triển bền vững ngành dừa.

Nhìn chung, các ý kiến tại hội thảo đã khẳng định được vai trò của cây dừa trong phát triển nông nghiệp Việt Nam; sự quan trọng và cần thiết trong công tác phối hợp giữa các đơn vị từ trung ương đến địa phương, các đối tác quốc tế, Viện, trường và doanh nghiệp. Song song đó là sự đầu tư, nghiên cứu phát triển KHCN cho ngành dừa; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; để đáp ứng được yêu cầu cam kết về net zero rất cần các cơ chế, chính sách và sự hỗ trợ hợp tác của các đối tác quốc tế...

 

Lãnh đạo tỉnh Bến Tre thực hiện ký kết hợp tác về đào tạo, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024 – 2025 với các đơn vị. (Ảnh: Phương Thảo)

 

 

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho rằng, trong thời gian tới, để hướng tới một nền kinh tế xanh và bền vững, Bến Tre mong muốn Bộ KHCN hỗ trợ tỉnh tham gia các chương trình KHCN liên quan đến phát triển bền vững về cây dừa.

Các Bộ, ngành trung ương tiếp tục hỗ trợ tham gia các chương trình của ngành, nhất là một số vấn đề có liên quan về tín chỉ carbon và thị trường tín chỉ carbon đối với cây dừa, khả năng phát triển ngành dừa phát thải thấp và hướng đến thị trường carbon cho cây dừa. Các Viện, trường tiếp tục phối hợp với tỉnh trong việc triển khai thực hiện hoạt động nghiên cứu KHCN các vấn đề liên quan đến phát triển bền vững về cây dừa, cũng như tiềm năng và cơ hội tham gia thị trường carbon của ngành dừa tỉnh Bến Tre nói riêng, ngành dừa cả nước nói chung...

Các ngành tỉnh tiếp tục đề xuất, tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trong chỉ đạo, điều hành, định hướng trong xây dựng khung chiến lược, khung tiêu chuẩn, khung chính sách cho thị trường giao dịch chứng chỉ carbon cho ngành dừa Bến Tre, góp phần thực hiện tốt hơn về phát triển xanh và bền vững hướng tới net zero.

Dịp này, UBND tỉnh Bến Tre đã ký kết hợp tác về đào tạo, KHCN và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2024 – 2025 với Viện Hàn Lâm KHCN Việt Nam, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.