Ngày đăng: 25-04-2025     Tác giả: Cái Mới     Chuyên mục: THÔNG TIN KH&CN

Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57-NQ/TW) đặt mục tiêu đến năm 2030 số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế tăng trung bình 16-18%/năm và tỷ lệ khai thác thương mại sáng chế đạt 8-10%. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết 71/NQ-CP ngày 01/4/2025 sửa đổi, bổ sung cập nhật Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW nhằm bảo đảm đạt được các chỉ số mục tiêu về sáng chế đề ra tại Nghị quyết 57-NQ/TW các Sở ban ngành tỉnh cần tích cực kiểm tra, đôn đốc các hoạt động để thúc đẩy gia tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế, văn bằng bảo hộ sáng chế; đồng thời thực hiện giải pháp thúc đẩy, khuyến khích và hỗ trợ các sáng chế được ứng dụng, thương mại hóa.

Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh, các sáng kiến, sáng chế có tính ứng dụng cao, có hiệu quả kinh tế và thực tế đang được ứng dụng, được đánh giá có kết quả tốt và đã được sản xuất thành hàng hóa, được thương mại hóa, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho chủ sở hữu tại địa phương: Giải pháp hữu ích Cơ cấu in trên quả dừa và quy trình in trên quả dừa sử dụng cơ cấu này; Hệ thống thủy canh hồi lưu tự động; Hệ thống xử lý khói, bụi của lò đốt rác thải rắn. Sáng chế Nhang trừ muỗi sinh học, Hệ thống rửa cơm dừa, Máy tách xơ dừa, Dược phẩm chứa hỗn hợp cao chiết thực vật để tăng cường miễn dịch, hỗ trợ điều trị bệnh và phương pháp bào chế dược phẩm này; Lò đốt để sản xuất than sinh học hoặc than hoạt hóa; Quy trình nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo (Cordycep militaris) sử dụng tinh chất dừa thủy phân.

Giải pháp ứng dụng trong nông nghiệp: Sử dụng chất liệu vải dệt nylon nhiều màu làm túi bao trái xoài tứ quý để phân biệt và xác định độ tuổi, tạo màu sắc trái.

Giải pháp chế tạo thiết bị đồ dùng dạy học: Thiết bị pha loảng hóa chất và khí độc; Ứng dụng công nghệ trong việc sử dụng CAMERA kết nối với kính hiển vi quang học nâng cao hiệu quả giảng dạy môn Vật lý - môn Sinh học; Cải tiến thiết kế, kỹ thuật xe Robot gắp vật phục vụ dạy học chuyên đề Tin học và hoạt động trải nghiệm Stem theo chương trình GDPT 2018.

Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tỉnh đã tổ chức triển khai các đề tài: Nghiên cứu cơ giới hóa hệ thống xếp dỡ hàng hóa từ boong tàu lên cảng cá tại tỉnh Bến Tre; Nghiên cứu tạo gạc cầm máu từ thạch dừa kết hợp với Oligomer Chitosan; Đánh giá hiện trạng sử dụng bạt nhựa trong ao nuôi thủy sản và đề xuất giải pháp xử lý nhằm bảo vệ môi trường theo hướng bền vững tại tỉnh Bến Tre; Nghiên cứu chế tạo hệ thống quan trắc độ mặn và đóng mở tự động các cống ngăn mặn sử dụng cảm biến nano; Nghiên cứu xây dựng hệ thống xử lý nước nhiễm mặn có ứng dụng IoT để cấp nước sinh hoạt cho người dân vùng bị xâm nhập mặn tỉnh Bến Tre và một số tỉnh lân cận; Nghiên cứu chế tạo đầu dò đo độ mặn bằng vật liệu nano và tích hợp thành hệ thống cảnh báo xâm nhập mặn tự động ứng dụng tại tỉnh Bến Tre và vùng phụ cận.

 

Trưng bày các sản phẩm của Hội thi sáng tạo tỉnh.

 

Sản phẩm của đề tài đã nộp 10 hồ sơ đăng ký sáng chế và 03 hồ sơ đăng ký giải pháp hữu ích tại Cục Sở hữu trí tuệ. Sáng chế, giải pháp hữu ích: Hệ thống xếp dỡ hàng từ boong tàu lên cảng cá (số đơn 2-2022-00462); Bảng mạch đa chức năng cho mô-đun thu thập, xử lý và truyền tín hiệu từ đầu dò đo độ mặn (số đơn 1- 2023-07088); Mạch nguyên lý cho môđun thu thập và xử lý tín hiệu từ đầu dò độ mặn (số đơn 1-2023- 07090); Hệ thống xác định mực nước tại cống ngăn mặn sử dụng cảm biến LIDAR kết hợp cùng phao nổi đặt trong ống thiết bị (số đơn 1-2023-07091); Hệ thống giám sát và xử lý nước nhiễm mặn tích hợp Internet vạn vật (Internet Of Things-IOTs) (số đơn 1-2024-00534); Hệ thống xử lý nước cấp cho hệ thống khử mặn thẩm thấu ngược tích hợp internet vạn vật (số đơn 1-2024-06740); Quy trình công nghệ kiểm tra các linh kiện thành phần và lắp ráp bo mạch điện tử thu thập và xử lý tín hiệu của module đo độ mặn (số đơn 1-2023-07089); Quy trình sản xuất cảm biến độ mặn online sử dụng điện cực graphit phủ màng nano TiO2 và cảm biến độ mặn được sản xuất bằng quy trình này (số đơn 1-2024-00798); Quy trình chế tạo đầu dò cảm biến nhiệt độ RTD màng mỏng platin bằng công nghệ vi chế tạo và đầu dò cảm biến nhiệt độ được chế tạo bằng quy trình này (số đơn 1-2024-08068); Quy trình ứng dụng chất cản quang PCB trong quá trình quang khắc chế tạo điện cực màng mỏng micro dùng cho cảm biến (số đơn 1-2024-08629); Hệ thống thiết bị bảo quản hải sản bằng đá sệt kết hợp thiết bị tạo siêu bọt khí kích thước nano (UFB) trên tàu lưới kéo xa bờ (số đơn 2-2024-00714); Thực phẩm chống oxy hóa từ thạch dừa (số đơn 1-2024- 09088); Quy trình sản xuất gạch nhựa từ bạt nhựa phế thải Polyetylen tỷ trọng cao (HDPE) (số đơn 2- 2024-00016).

Sáng tạo và đổi mới là để tôn vinh cả người nghĩ ra ý tưởng và người hiện thực hoá nó thành những thay đổi trong thực tế, và để mở rộng khái niệm sáng tạo và đổi mới không chỉ dành riêng cho giới khoa học, nghiên cứu, mà cho toàn dân, mọi lĩnh vực, mọi quốc gia; là để tôn vinh tư duy sáng tạo của mọi người trong mọi ngành, mọi lĩnh vực (nông dân cải tiến máy móc nông nghiệp, học sinh tạo ra sản phẩm học tập), khuyến khích tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới" trong toàn xã hội, kết nối sáng tạo và đổi mới với phát triển bền vững.

Đổi mới sáng tạo cho phép tận dụng thành tựu NCPT từ nơi khác, rồi cộng với đổi mới mô hình, tổ chức, nội địa hoá sản phẩm. Đổi mới sáng tạo lan rộng hơn khoa học và công nghệ, nó bao trùm cả xã hội và thể chế. Đổi mới sáng tạo quốc gia bao gồm đổi mới công nghệ, đổi mới mô hình kinh doanh, đổi mới quản trị quốc gia, đổi mới chính sách xã hội, đổi mới thể chế, đổi mới tổ chức giáo dục, y tế, giao thông, môi trường...

Đổi mới sáng tạo không cần đầu tư các phòng lab, mà cần tư duy đổi mới và văn hoá đổi mới. Đây chính là con đường khả thi hơn cho các nước chưa đủ tiềm lực nghiên cứu sâu  nhưng có năng lực tổ chức, thích nghi và sáng tạo xã hội.

Đổi mới sáng tạo là cửa ngách mang tính chiến lược để các nước đang phát triển rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển, tối ưu các nguồn lực hạn chế, và tạo ra giá trị thực tiễn từ những gì sẵn có để phát triển nhanh.

Chúng ta cần tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mà ở đó, doanh nghiệp có thể cải tiến sản phẩm phù hợp với thị trường trong nước, người dân có thể sáng tạo trong điều kiện thực tế của mình, nhà nước hỗ trợ môi trường, thể chế và động lực để đổi mới sáng tạo không bị cản trở, mà được khơi thông và lan toả. Văn hoá đổi mới là văn hoá không ngừng học hỏi, thử nghiệm, cải tiến và thích ứng.

Đổi mới sáng tạo là động lực phát triển, thúc đẩy đổi mới chính là thúc đẩy phát triển, hoạch định đổi mới là hoạch định tương lai. Đổi mới hoạt động khoa học và công nghệ để hướng vào giải quyết các bài toán lớn của quốc gia.

Muốn sáng tạo và đổi mới trở thành toàn dân thì phải chuyể đổi số toàn diện, số hóa toàn bộ thế giới thực, đưa mọi hoạt động lên môi trường số. Môi trường số là môi trường lý tưởng cho mọi ý tưởng có thể hiện thực hoá nhanh nhất, vì nó phi vật lý, phi khoảng cách và phi tiếp xúc. Đổi mới sáng tạo của tỉnh phải đặt trong ngữ cảnh chuyển đổi số quốc gia, của vùng và của địa phương.