Ngày đăng: 29-01-2019     Tác giả: Việt Cường     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Đầu tháng chạp âm lịch, khi những cánh hoa cúc mâm xôi, cúc Hà Lan chuẩn bị hé nở cũng là lúc thương lái bắt đầu tìm về xã Long Thới, huyện Chợ Lách để chọn mua mặt hàng hoa nở cung ứng cho thị trường khắp cả nước. Cũng giống như kiểng tắc ở Hưng Khánh Trung B, mai vàng ở Vĩnh Thành, hoa nở đã tạo nên nét đặc trưng của xã Long Thới mỗi khi xuân về tết đến.

Từ lâu sản xuất hoa nở đã là nghề sinh kế của hơn 400 hộ nông dân nơi đây. Hộ trồng ít cũng có vài trăm giỏ, trồng nhiều lên đến hàng ngàn giỏ. Mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 400 ngàn sản phẩm cúc mâm xôi, cúc Hà Lan và vạn thọ. Ấp An Hòa và Hòa An là 2 nơi sản xuất hoa nở lớn nhất trong xã.

 

 

Anh Hy (bên phải) phấn khởi vì hoa cúc mâm xôi trúng mùa.


Theo kinh nghiệm của bà con, trồng hoa nở không khó, chi phí đầu tư tương đối thấp, phù hợp với hộ ít đất sản xuất. Nhiều bà con nơi đây, khá lên từ nghề trồng hoa bán vào dịp Tết, và cũng không ít bà con chọn nghề này làm nghề chính của gia đình.

Anh Phan Cao Hy ở ấp An Huy trồng cúc mâm xôi từ 5 năm nay, giờ đã trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình. Anh Hy cho biết, nếu vườn được chăm sóc tốt và được giá, mỗi mùa có thể mang thu nhập trên 50 triệu trên mỗi công đất, trong thời gian chưa xuống giống cúc mâm xôi, nhà vườn có thể tận dụng diện tích đất trồng cây rau ngắn ngày để tăng thêm thu nhập.

Năm 2018, anh Huy đã hợp tác với vài người quen thuê 4.000m2 làm giàn trồng 4.800 cúc mâm xôi, đến nay vườn cúc đang phát triển xanh tốt, trong đó có hơn 2000 giỏ đã được thương lái đặt mua. Nhìn trên cây hoa cúc mâm xôi có hàng trăm nụ hoa tươi tốt đang chuẩn bị bung nở được sắp xếp tròn đều như hình mâm xôi mới hiểu được sự tỉ mẫm và công phu chăm sóc của nhà vườn. Đây là thành quả cho 6 tháng lao động chăm chỉ của tất cả thành viên trong gia đình để tạo ra những sản phẩm chất lượng cung ứng cho khách hàng. Anh Hy cho biết kỹ thuật chăm sóc hoa cúc như sau:“Mùng 9 tháng 6 âm lịch, tôi tiến hành tách cây con chuyển sang giỏ, bón phân dưỡng rễ, 3-4 ngày sau khi rễ đã cứng cáp thì ngắt đọt, cứ 20 ngày ngắt đọt 1 lần, đến 5 lần thì ngưng. Cần thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng của cây để kịp thời phòng trừ sâu bệnh, nhất là khi có mưa trái mùa thì phải sử dụng thêm phân thuốc để xử lý cho hoa nở đúng dịp tết”.


 

Chị Thủy hi vọng hoa cúc Hà lan sẽ có giá cao hơn năm trước.


Không khí phấn khởi đang hiện diện trong vườn hoa cúc của chị Phạm Thị Thủy ở ấp Hòa An. Chị Thủy đang lựa chọn những sản phẩm chất lượng để chuẩn bị giao cho khách hàng toàn bộ số lượng cúc mâm xôi; chưa bán cúc Hà lan vì còn chờ giá mua cao hơn. Do nguyên vật liệu đầu vào có tăng nhẹ so với năm rồi nên giá bán cao hơn nhưng không nhiều lắm. Chi Thủy cho biết: “Năm nay gia đình tôi sản xuất 1.300 giỏ cúc mâm xôi, tăng 200 giỏ, giá bán 155.000đ/cặp, cao hơn năm trước 25.000đ/cặp. Còn cúc Hà Lan giữ nguyên số lượng 1.200 giỏ, còn chờ giá 140.000đ/cặp mới bán”

Từ thời điểm tháng 6 âm lịch, bà con trồng hoa trong xã bắt đầu xuống giống cúc mâm xôi. Đến thời điểm tháng 8 âm lịch, nông dân xuống giống cúc Hà Lan, còn vạn thọ được gieo trồng vào giữa tháng 10 âm lịch. Đến nay, cúc mâm xôi và cúc Hà lan đang bước vào giai đoạn kinh doanh. Theo ông Ngô Tấn Thành – Chủ tịch Hội Nông dân xã, năm 2019 hiện toàn xã có 421 hộ trồng hoa nở giảm 17 hộ, sản xuất khoảng 387.000 sản phẩm giảm khoảng 17.000 sản phẩm so với cùng kỳ năm 2018. “Số lượng hộ trồng và sản lượng đều giảm, giá bán cao hơn từ 5-10% sao với cùng kỳ năm trước. Cuối năm 2018, thời tiết có nhiều biến động, mưa trái mùa làm hoa nở chịu nhiều anh hưởng bất lợi nhưng nhờ có kinh nghiệm và kỹ thuật tốt nên bà con vẫn xử lý cho hoa nở đúng dịp Tết”.

Mỗi khi Tết đến, những chậu hoa nở sẽ tô điểm cho không gian sống của mỗi gia đình thêm rực rỡ. Người trồng hoa nở ở xã Long Thới vừa có thêm thu nhập, vừa góp sắc xuân cho năm mới. Hi vọng mùa hoa nở năm nay sẽ đạt năng suất cao để niềm vui của bà con được nhân lên gấp bội.

Bài, ảnh: Việt Cường