Ngày đăng: 28-02-2022     Tác giả: Nguyễn Văn Toàn     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Cách đây 233 năm (1789), sau khi lên ngôi Hoàng đế với niên hiệu Quang Trung, Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ (1753-1792) đã khao quân ăn Tết sớm và chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn đánh tan 29 vạn quân Mãn Thanh xâm lược. Bên cạnh đó, Hoàng đế Quang Trung cũng là người thống nhất đất nước sau 300 năm bị chia cắt với cục diện Nam Triều – Bắc Triều, Đàng Trong – Đàng Ngoài với chiến công đánh bại chúa Nguyễn, chúa Trịnh, quét sạch quân xâm lược Xiêm La, Mãn Thanh ra khỏi đất nước, thu giang sơn về một mối.

 

Tượng đài Hoàng đế Quang Trung ở Huế. (Ảnh minh họa)

 

Hoàng đế Quang Trung với sự nghiệp thống nhất đất nước

Nhà Tây Sơn có công lao diệt quân Xiêm, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia dân tộc. Nếu không có ý chí thống nhất quốc gia dân tộc thì Hoàng đế Quang Trung đã không làm nên một trận đánh Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785 ghi tạc vào sử sách như vậy.

Việc luôn xem dân tộc ta là một, nước ta là một được thể hiện trong Chiếu lên ngôi Hoàng đế năm 1789 của Hoàng đế Quang Trung trước khi kéo quân ra Bắc đánh đuổi Mãn Thanh và tên vua bán nước Lê Chiêu Thống. Chiếu viết: “Trẫm hai lần gây dựng họ Lê, thế mà tự quân họ Lê không biết giữ xã tắc… sĩ dân Bắc Hà không hướng về họ Lê, chỉ trông mong vào trẫm”, “đại huynh (Nguyễn Nhạc) có ý mỏi mệt, tình nguyện giữ một phủ Quy Nhơn, tự nhún xưng là Tây Vương” và “ức triệu người trong bốn bể đều xúm quanh cả vào thân trẫm, đó là ý trời đã định, không phải do người làm ra. Trẫm nay ứng mệnh trời, thuận lòng người không thể khăng khăng cố giữ sự khiêm nhường”. Đặc biệt là, Hoàng đế Quang Trung đã “truyền bảo cho trăm họ muôn dân phải tuân theo giáo lệnh của nhà vua”.

Ngoài ra, trong bài hịch là “Lời hiếu dụ tướng sỹ” được Hoàng đế Quang Trung đọc tại lễ lên ngôi Hoàng đế cũng có câu: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (đánh cho sử biết nước Nam anh hùng có chủ). Việc Hoàng đế Quang Trung khẳng định nước Nam đã có chủ nghĩa là sự khẳng định đất nước đã được thống nhất hoàn toàn. Do đó, sau khi quét sạch quân Mãn Thanh và tên vua Lê Chiêu Thống ra khỏi bờ cõi, Hoàng đế Quang Trung đã làm chủ trên thực tế được cả đất nước Đại Việt.

Giáo sư Văn Tạo (Viện Sử học Việt Nam) đã khẳng định rằng Hoàng đế Quang Trung đã “thống nhất đất nước gắn liền với độc lập của dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ”. Giáo sư Văn Tạo cũng cho biết thêm là ngoài việc thanh toán Trịnh – Nguyễn, hai thế lực chia cắt đất nước, Hoàng đế Quang Trung còn đập tan âm mưu chia cắt đất nước của nhà Mãn Thanh bằng Chiến thắng năm Kỷ Dậu 1789.

Vì trong mật dụ của Càn Long gửi cho Tôn Sĩ Nghị bị quân Tây Sơn bắt được có viết rõ: Đưa vua Lê Chiêu Thống về lại nước Nam, vừa tiến đánh vừa thăm dò. Kết cục nếu không thắng được Hoàng đế Quang Trung thì “Bấy giờ ta sẽ làm ơn cho cả hai bên. Từ đất Thuận Hóa Quảng Nam trở ra Nam thì cho Nguyễn Huệ, từ Châu Hoan, Châu Ái trở ra Bắc thì phong cho tự quân nhà Lê. Ta đóng đại binh lại để kiềm chế cả hai bên, rồi sẽ có xử trí về sau”.

Sau đó, khi tên vua Lê Chiêu Thống xin nhà Mãn Thanh ép Hoàng đế Quang Trung cắt hai tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên để làm địa bàn như thời nhà Mạc thì nhờ chính sách ngoại giao khôn khéo của mình, Hoàng đế  Quang Trung đã đập tan ý định đó bằng cách xin cưới công chúa của Càn Long và gửi thư đề nghị Càn Long cho Lưỡng Quảng (Quảng Đông, Quảng Tây) để làm đất đóng đô.

Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét rất xác đáng về Hoàng đế Quang Trung là người “phi thường”, “chí cả mưu cao”.

Hoàng triều Quang Trung đại diện cho ước mơ của dân tộc

Nhận xét về công lao của Hoàng đế Quang Trung đối với đất nước, Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân (con gái của vua Lê Hiển Tông) đã viết người chồng của mình như sau: “Mà nay áo vải cờ đào, Giúp dân dựng nước xiết bao công trình!” (Ai tư vãn).

Trên thực tế, sau khi lên ngôi, Hoàng đế Quang Trung đã quản lý đất nước trên một phạm vi rộng lớn dưới một chính quyền trung ương tập trung mạnh. Bộ máy hành chính thời Hoàng đế Quang Trung đã được nhanh chóng hoàn thiện. Năm 1790, Hoàng đế Quang Trung còn cho lập sổ theo dõi nhân khẩu (hay hộ khẩu). Và Hoàng đế Quang Trung cũng đã có ý định chọn Nghệ An làm Phượng Hoàng Trung Đô để nêu bật ý nghĩa của triều đại mới.

Sau khi lên ngôi, Hoàng đế Quang Trung cũng đã ban “chiếu khuyến nông”. Năm 1789, Hoàng đế Quang Trung bãi bỏ thuế điền cho nhân dân từ sông Gianh ra Bắc, động viên các tầng lớp nhân dân lao động phấn khởi sản xuất. Do đó, chỉ trong vòng 3 năm sau, nông nghiệp được phục hồi. Năm 1791, sử sách chép: “mùa màng trở lại phong đăng, năm phần mười trong nước khôi phục được cảnh thái bình”.

Trong công cuộc xây dựng chính quyền mới, Hoàng đế Quang Trung rất chú trọng “Cầu hiền tài”. Đối với những nho sĩ, trí thức, kể cả quan lại trong chính quyền cũ có tài năng, trí tuệ, có nhiệt tình xây dựng đất nước, Hoàng đế Quang Trung đều cố gắng thuyết phục và sử dụng họ vào bộ máy nhà nước mới, đặt họ ở những chức vụ cao tương xứng với tài năng của họ. Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp... là những học giả tiêu biểu trong số nho sĩ này.

Để đáp ứng nhu cầu xây dựng chính quyền mới và đào tạo quan lại mới, bên cạnh phương thức “tiến cử”, “cầu hiền tài”, Hoàng đế Quang Trung đã ban hành chính sách “khuyến học”, mở rộng chế độ học tập, thi cử. Trường học được mở rộng đến các làng xã, cho phép các địa phương sử dụng một số đền chùa không cần thiết làm trường học. Về nội dung, bỏ lối học từ chương khuôn sáo, cải tiến dần theo hướng thiết thực, bắt các nho sinh, sinh đồ ở các triều đại trước phải thi lại. Người nào xếp loại ưu thì mới được công nhận cho đỗ, hạng liệt phải về học lại, còn hạng sinh đồ 8 quan do bỏ tiền ra mua trước đó (thời Lê - Trịnh) đều bị đuổi về chịu lao dịch như dân chúng. Để đề cao quốc gia dân tộc, Hoàng đế Quang Trung bỏ Hán ngữ như là ngôn ngữ chính thức trong các văn bản của quốc gia. Ngôn ngữ chính thức được sử dụng là tiếng Việt và được viết trong các văn kiện hành chính bằng hệ thống chữ Nôm.

Đối với nước ngoài, Hoàng đế Quang Trung chủ trương mỏ rộng trao đổi buôn bán, đấu tranh buộc nhà Thanh phải mở cửa biên giới để buôn bán với nước ta. Đối với thuyền buôn của các nước tư bản phương Tây, Hoàng đế Quang Trung tỏ ra rộng rãi, mong muốn họ tăng cường quan hệ ngoại thương với nước ta, nhờ vậy, tình hình thương nghiệp (nội thương và ngoại thương) nước ta được phục hưng và phát triển. Tư tưởng “thông thương” tiến bộ của Hoàng đế Quang Trung đã thể hiện nhãn quan kinh tế rộng mở phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại, đó là mở cửa ải, thông thuơng buôn bán, khiến cho các hàng hoá không ngừng chuyển động để làm lợi cho dân chúng. Để thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hoá thuận lợi, Hoàng đế Quang Trung còn cho đúc tiền đồng mới (Quang Trung thông bảo và Quang Trung đại bảo).

Mô tả Thăng Long bấy giờ, nhà nho Nguyễn Huy Lượng sống dưới thời Tây Sơn viết: “Lò Thạch khối khói tuôn nghi ngút, thoi oanh nọ ghẹo hai phường dệt gấm, lửa đom đóm nhen năm xã gây lò”, và “rập rình cuối bãi đuôi nheo, thuyền thương khách hãy nhen buồm bươm bướm” (Phú Tụng Tây Hồ).

Nguyễn Văn Toàn