Bác Hồ với tầm nhìn đổi mới và sáng tạo
Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 9/9/1969) đã nhận định: “Hồ Chủ tịch là người Việt Nam đầu tiên đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh nước ta, vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên, từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tầm nhìn đổi mới và sáng tạo trong con đường cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội
phù hợp với hoàn cảnh nước ta, đã vạch đường chỉ lối cho cách mạng Việt Nam từng bước tiến lên,
từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ảnh tư liệu lịch sử.
Tầm nhìn đổi mới và sáng tạo trong con đường cứu nước
Với công trình “Minh triết Hồ Chí Minh” (Nxb.Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999), PGS. Vũ Ngọc Khánh đã khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh là một “nhà minh triết”, tức nhà triết học sáng suốt. Còn GS.TS Nguyễn Hùng Hậu, Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thì cho rằng: “Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng lớn, nhà cách mạng kiệt xuất, nhà văn hóa thế giới, nhà nhân văn sâu sắc, nhà yêu nước chân chính, mà còn là nhà triết học, nhà hiền triết, minh triết với đúng nghĩa của những danh từ, thuật ngữ này”[1].
Đánh giá về cuộc đời và sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tiến sĩ M.Ahmed, Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, nhận định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”[2].
Từ rất sớm, khi còn ở trong nước, thấy được con đường cứu nước không đúng đắn, không triệt để của Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức một điều sâu sắc, là: “Trong cuộc đấu tranh giành độc lập thì phải dựa vào sức mình để giải phóng mình, đừng bao giờ hy vọng trông chờ vào sự “ban ơn” của chính quyền tư sản. Và muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng bản thân mình”[3].
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) có mười năm sinh sống và học tập tại Huế, từ 1895-1901 và 1906-1909. Người đã học tại trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba (1906-1908), rồi vào học trường Quốc học Huế (1908-1909). Tại đây, Người đã có suy nghĩ phải tìm xem đằng sau tư tưởng “Tự do – Bình đẳng – Bác ái” của giai cấp tư sản Pháp là gì, mà sau khi tham gia phong trào chống thuế tháng 4/1908, Người đã đi vào Nam và quyết chí ra đi tìm đường cứu nước ở phương trời Tây vào năm 1911 tại Bến cảng Nhà Rồng (Sài Gòn). Do đó, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhận định: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học. Những năm tháng đó là thời gian rất quan trọng đối với sự hình thành nên con người Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, thời gian hình thành nên một con người lạ lùng, với những ý tưởng lạ lùng, đưa đến những thành tựu lạ lùng”.
Trong bài viết “Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin” (Báo Nhân Dân, ngày 22/4/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhớ lại: Sau khi đọc được “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin với tinh thần “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”, Người đã vô cùng xúc động: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”[4]. Trả lời phỏng vấn Báo Nhân Đạo (L’Humanité) – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp ngày 15/7/1969, Người đã khẳng định: “Về phần chúng tôi, chính là do cố gắng vận dụng những lời dạy của Lênin, nhưng vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với thực tế Việt Nam ngày nay, mà chúng tôi đã chiến đấu và giành được những thắng lợi to lớn như đồng chí đã biết”.
Đó là, vào tháng 6/1924 tại Đại hội V Quốc tế III, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách đại diện cho đại biểu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp đã nhấn mạnh: “cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc mà có thể giành thắng lợi trước”[5] và “trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”[6]. Người cũng phê phán ý kiến xem thường cách mạng ở thuộc địa: “Các đồng chí thứ lỗi về sự mạnh bạo của tôi, nhưng tôi không thể không nói với các đồng chí rằng, sau khi nghe những lời phát biểu của các đồng chí ở chính quốc, tôi có cảm tưởng là các đồng chí ấy muốn đánh chết rắn đằng đuôi. Tất cả các đồng chí đều biết rằng hiện nay nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa hơn là ở chính quốc. Các thuộc địa cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy; các thuộc địa cung cấp binh lính cho quân đội của chủ nghĩa đế quốc. Các thuộc địa trở thành nền tảng của lực lượng phản cách mạng. Thế mà các đồng chí khi nói về cách mạng các đồng chí lại khinh thường thuộc địa”[7].
Về đảng cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Kinh nghiệm bản thân của Việt Nam chứng tỏ rằng chính là nhờ Đảng của những người Bôn-sê-vích và của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại mà ở Việt Nam có một đảng mác-xít - lê-nin-nít”[8]. Trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” (1927), Người cũng đã chỉ rõ: “Cách mạng Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mạng thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc. Phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo Mã Khắc Tư và Lênin…”[9]. Đảng cách mạng đó được Người sáng lập ngày 3/2/1930. Đó là Đảng Cộng sản Việt Nam. Điểm sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Đảng Cộng sản Việt Nam hình thành trên cơ sở kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Ở các đảng cộng sản phương Tây thì hình thành trên cơ sở kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân. Kể từ đó, đúng như đáng giá của Người nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng vào năm 1960, rằng: “Từ ngày mới ra đời, Đảng ta liền giương cao ngọn cờ cách mạng, đoàn kết và lãnh đạo toàn dân ta tiến lên đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi trong cuộc cách mạng phản đế, phản phong”[10].
Ngày 28/1/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam. Người triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại lán Khuổi Nặm (Pác Bó – Cao Bằng) từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941. Hội nghị khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng là giải phóng dân tộc: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[11]. Theo chủ trương của Người, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) để thực hiện việc đại đoàn kết toàn dân tộc chống ngoại xâm và giành lại độc lập dân tộc. Khi viết về thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, nhà sử học Pháp Philippe Devillers, trong cuốn sách “Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952” đã nhận định: “Nó còn là kết quả logic của Việt Minh trong mọi khu vực của đời sống đất nước”[12].
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã khẳng định con đường cứu nước, giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra là đúng đắn! Người nhấn mạnh: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Đó là thắng lợi đầu tiên của Chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cách mạng đã đập tan xiềng xích của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật nhào chế độ quân chủ phong kiến thối nát trên đất nước ta, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á”[13]. Do đó, Người nhận định: “Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta”[14]. Và Người khẳng định: “Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội”[15].
Trong bản “Tuyên ngôn Độc lập” (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã “suy rộng ra”, rằng: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[16]. Về triết lý nói trên, GS Singo Sibata (Nhật Bản) đã đánh giá: “Cống hiến nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”.
Tầm nhìn đổi mới và sáng tạo trong con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội
Về bản chất tốt đẹp của chế độ chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một cách giản di và dễ hiểu: “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”[17].
Về phương diện kinh tế, ngay khi bắt tay vào xây dựng chế độ mới, V.I.Lênin đã coi trọng việc nâng cao năng suất lao động bằng công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong “Sáng kiến vĩ đại” được viết năm 1919, V.I.Lênin nhận định: “Chủ nghĩa cộng sản có nghĩa là năng suất lao động cao hơn (so với năng suất lao động dưới chế độ tư bản) của những công nhân tự nguyện tự giác, liên hợp với nhau, sử dụng kỹ thuật hiện đại”[18]. V.I.Lênin cũng nêu rõ: “Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền Xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc... Chỉ khi nào nước ta đã điện khí hóa, chỉ khi nào công nghiệp, nông nghiệp và vận tải đã đứng vững trên cơ sở kỹ thuật của đại công nghiệp hiện đại, thì lúc đó, chúng ta mới có thể đạt được thắng lợi hoàn toàn”[19]. Thắng lợi ở đây chính là sự thắng lợi của chế độ mới. Theo V.I.Lênin: “Việc đặt nền móng cho sự thực hiện kế hoạch điện khí hóa vĩ đại là cái sẽ cho phép chúng ta khôi phục nền đại công nghiệp và ngành vận tải trên một quy mô và một cơ sở kỹ thuật khiến có thể hoàn toàn và vĩnh viễn chiến thắng nạn đói kém, cảnh nghèo cùng”[20]. Tiếp bước con đường của V.I.Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra rằng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa cũng cần phải có nguồn điện lực dồi dào. Trên Báo Nhân dân số 69 ra ngày 7/8/1952, Người đã rất vui mừng và làm bài thơ “Mừng kênh Vôn-ga Đông hoàn thành” ca ngợi về thủy điện của Liên Xô: “Kênh đào Vônga - Đông,/ Hôm nay mừng thành công,/ Mấy xưởng điện khổng lồ/ Tung điện ra khắp vùng/ Kênh hơn bảy trăm dặm/ Rất tiện cho giao thông, /Hăm tám triệu mẫu cát/ Thành ruộng cho nhà nông”. Từ ngày 12 đến 19/7/1955, Người thăm Liên Xô và Người đã tới công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Angar. Tiếp đó, vào ngày 8/7/1959, nhân chuyến thăm Liên Xô, Người đã tới thăm công trình thủy điện trên sông Dniepr. Người đã gặp gỡ thăm hỏi anh chị em công nhân đang xây dựng trên công trường thủy điện và Người chúc chóng hoàn thành kế hoạch. Tính đến cuối năm 2021, theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), quy mô hệ thống điện Việt Nam vươn lên đứng đầu khu vực Đông Nam Á với tổng công suất là 76.620 MW. Chính nhờ nguồn năng lượng từ điện, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta đã có những bước đi nhanh nhưng vững chắc.
Tại Đại hội Đảng Cộng sản Nga lần thứ X (1921), V.I.Lênin đã đề ra Chính sách kinh tế mới (NEP) để thay thế Chính sách cộng sản thời chiến. “Từ nước Nga của Chính sách Kinh tế mới sẽ nảy sinh nước Nga xã hội chủ nghĩa”[21] – V.I.Lênin nhận định. Do đó, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “Ta cho nông nghiệp là quan trọng và ưu tiên, rồi đến tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhẹ, sau mới đến công nghiệp nặng”[22]. Thực hiện đúng lời dạy của Người, Đảng ta luôn giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, đưa đất nước tiến bước thành một nước dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Năm 2020, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng trong tốp 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tiếp đó, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2021 vượt mốc 668,5 tỉ USD, đưa Việt Nam thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Về phương diện xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả”[23]. Tại Điều thứ 1, Điều thứ 9, Điều thứ 18, Hiến pháp 1946 của nước ta đã quy định: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Tại một buổi nói chuyện với lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện vào ngày 18/1/1967, đánh giá về kết quả sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam, Người khẳng định: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ nước nhà”[24]. Đặt niềm tin vào vai trò chủ động vươn lên của người phụ nữ trong học tập, lao động và sáng tạo, Người tin tưởng rằng: “Dưới chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, người phụ nữ dũng cảm có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ mà người đàn ông dũng cảm có thể làm, dù nhiệm vụ ấy đòi hỏi rất nhiều tài năng và nghị lực như việc lái các con tàu vũ trụ Phương Đông”[25]. Tháng 5/1968, trong đoạn viết bổ sung vào Di chúc năm 1965, Người không quên nhắc tới sự nghiệp giải phóng phụ nữ: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[26]. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, đã nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ Việt Nam. Người đã thức tỉnh phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại và từ đó giải phóng chính mình”[27].
Về phương diện văn hóa, bản chất xã hội xã hội chủ nghĩa là tiến bộ, khoa học và nhân văn. Cho nên, chủ nghĩa xã hội đồng chất và cùng chiều với văn hóa; phấn đấu cho những mục tiêu của chủ nghĩa xã hội cũng chính là phấn đấu cho những giá trị văn hóa ngày tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hóa phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức”[28]. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định về sự nghiệp văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Sự nghiệp văn hóa quan trọng nhất của Người là đã lãnh đạo toàn dân đánh đuổi giặc ngoại xâm trong thời đại mới, giành lại cho nhân dân những quyền sống của con người, một cuộc sống có văn hóa”. Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh ... là một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng biết bao giá trị, giá trị đó nói cho cùng là giá trị văn hóa”[29]. Nhà thơ Xô Viết Osip Mandelstam, trong bài viết “Thăm một chiến sĩ cộng sản quốc tế - Nguyễn Ái Quốc” (Báo Ngọn lửa nhỏ - Ogoniok, Liên Xô, tháng 12/1923), đã nhận định rằng: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã toả ra một thứ văn hoá, không phải là văn hoá Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hoá tương lai”.
Là một thành viên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) từ năm 1976, Việt Nam được đánh giá là một điển hình về thành tựu của UNESCO. Năm 2020, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft đã đánh giá: “Tự bản thân Việt Nam đã đại diện cho những giá trị của UNESCO là đoàn kết, khoan dung, đa dạng và hài hòa. Đây là những giá trị nền tảng tạo nên bản sắc Việt Nam”.
Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” vào năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[30]. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Người đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.
Nguyễn Văn Toàn
[1] GS.TS.Nguyễn Hùng Hậu, “Suy nghĩ về triết học Việt Nam và triết học Hồ Chí Minh”, T/c Lý luận Chính trị, số 5/2007, tr. 17.
[2] UNESCO và Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.37.
[3] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr. 33.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 127.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 36
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 36
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 296
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 585.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 304.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập. tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 401
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 113.
[12] Ph.Devillers, “Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952”, Nxb Seuil, Paris, 1952, tr 132. Dẫn lại từ cuốn “Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 - Ðoàn thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu”, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Nxb. Lao động, Hà Nội, 1999, tr. 473.
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.544.
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 160
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 629.
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 2.
[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 438.
[18] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 39, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr. 25.
[19] V.I. Lênin: Toàn tập, tập 26, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, tr. 57.
[20] V.I.Lênin: Toàn tập, tập 43, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 266.
[21] V.I. Lênin: Toàn tập, tập 44, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva , 1978, tr. 358.
[22] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 226.
[23] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.195.
[24] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 256.
[25] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 97
[26] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 617.
[27] Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh BBC (Vương quốc Anh) vào ngày 3 tháng 7 năm 2001. Xem: http://www.mofahcm.gov.vn/en/mofa/cs_doingoai/pbld/ns04081814261544.
[28] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 471.
[29] Phạm Văn Đồng, “Văn hóa và đổi mới”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 126.
[30] Xem: https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam