Ngày đăng: 31-01-2024     Tác giả: Minh Mừng     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Chiều ngày 26-01-2024, UBND huyện Thạnh Phú tổ chức hội nghị tổng kết công tác ngành nông nghiệp, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Thanh Hải; Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Tiến chủ trì hội nghị.

Năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn đạt và vượt các chỉ tiêu được giao. Tình hình sản xuất nông nghiệp được duy trì và phát triển; các loại cây trồng, vật nuôi nhìn chung ổn định, không phát sinh dịch bệnh nguy hiểm; giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt 4.193 tỷ đồng, tăng hơn 6,6% so cùng kỳ.

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Thanh Hải phát biểu. (Ảnh: Minh Mừng) 

 

Diện tích, sản lượng cây lúa, cây dừa, cây ăn trái, cây màu tăng khá; chăn nuôi phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả, an toàn sinh học. Nuôi thủy sản diện tích 18.370 ha, đạt hơn 100% kế hoạch, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh 3.530 ha; phát triển mới 147/100 ha nuôi tôm công nghệ cao, lũy kế đến nay đạt 1.247 ha. Tổng sản lượng nuôi đạt 37.200 tấn, tăng gần 12% so cùng kỳ. Sản lượng khai thác thủy sản 14.600 tấn, đạt hơn 101% kế hoạch. Quan tâm triển khai thực hiện tốt việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá, ngư dân Việt Nam khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai, hạn mặn; nước sạch và vệ sinh môi trường được chủ động thực hiện...

Các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện được quan tâm hỗ trợ xây dựng, hoàn thiện, nhất là các chuỗi dừa, xoài, gà, tôm biển hình thành rõ nét mối liên kết đầu vào và đầu ra. Diện tích, sản lượng các mặt hàng nông nghiệp, thủy sản chủ lực của huyện tiếp tục tăng và dần chuyển sang phương thức sản xuất sạch, an toàn, nhất là dừa hữu cơ và nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao. Đến nay huyện Thạnh Phú có 09 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 04 xã Thới Thạnh, Quới Điền, An Nhơn và Đại Điền đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đang trình tỉnh xét và công nhận 03 xã An Thuận, Bình Thạnh và Mỹ Hưng đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại gồm An Điền, Mỹ An, An Thạnh, An Qui, Thạnh Hải đạt từ 13 tiêu chí trở lên...

Về Chương trình OCOP, trong năm 2023 đã công nhận 18 sản phẩm đạt 3 sao. Lũy kế đến nay, toàn huyện đã có 42 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó có 03 sản phẩm đạt 4 sao, 39 sản phẩm được công nhận sản phẩm đạt chứng nhận đạt 3 sao (trong đó có 01 sản phẩm OCOP về du lịch).

Tại hội nghị, lãnh đạo các ngành chuyên môn của huyện và UBND các xã, thị trấn đã có nhiều nội dung thảo luận liên quan đến xây dựng vùng sản xuất tập trung gắn với các chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện, xây dựng mã vùng trồng tập trung; giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng sản phẩm OCOP và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được công nhận; vận động phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao; giải pháp nâng chất lượng hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp; nâng tỷ lệ nước sạch khu vực nông thôn; công tác phòng, chống hiệu quả hạn mặn, triều cường dâng mùa khô năm 2023 – 2024...

 

Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Thanh Hải và Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Tiến và trao giấy chứng nhận cho các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP đợt 2 và đợt 3 năm 2023. (Ảnh: Minh Mừng)

 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Thanh Hải đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành liên quan và từng địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, quyết tâm, quyết liệt triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong năm 2024; tạo điều kiện thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Riêng đối với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Thanh Hải đề nghị tập trung xây dựng, hoàn thiện 06 chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực của huyện. Phối hợp các xã xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung tại huyện; xây dựng một số nhãn hiệu hàng hóa đặc trưng trên địa bàn, các chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP và mở thêm các cửa hàng trưng bày sản phẩm OCOP. Hỗ trợ hoạt động các hợp tác xã, tổ hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung công tác phòng chống các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi đảm bảo theo khuyến cáo của ngành. Chủ trì, phối hợp thường xuyên thực hiện kiểm tra giống cây trồng, vật nuôi, sản phẩm thuốc thú y, thủy sản, gia súc, gia cầm. Tiến hành kiểm tra các quy trình sản xuất nông nghiệp.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cần tăng cường phối hợp các ngành, các xã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho người dân theo hướng thực hành nông nghiệp an toàn, hữu cơ; nhân rộng mô hình nông nghiệp có hiệu quả; triển khai ứng dụng chuyển đổi số, số hóa các sản phẩm nông nghiệp. Quản lý tốt các phương tiện đánh bắt thủy sản, phối hợp các xã hoàn thành hồ sơ đăng kiểm cấp phép về đánh bắt thủy sản. Phối hợp tham mưu theo dõi, thực hiện tốt công tác phòng chống hạn mặn; vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất trong mùa hạn mặn. Phối hợp các Nhà máy nước triển khai sớm các mạng máy nước. Quản lý chặt chẽ các nguồn quỹ, nguồn vốn phát triển sản xuất. Phối hợp chặt chẽ Ban Quản lý rừng, các xã có rừng đánh giá hiện trạng rừng trên địa bàn huyện…”

Dịp này, UBND huyện đã công bố quyết định và trao giấy chứng nhận cho các chủ thể có sản phẩm đạt OCOP đợt 2 và đợt 3 năm 2023./.