Tình cảm của Bác Hồ với thiếu nhi
Nhân Tháng hành động Vì trẻ em - Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6)
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất yêu quý thiếu nhi và Người đã dành muôn ngàn tình yêu thương dành cho các chủ nhân tương lai của đất nước. Nói về tình cảm của Người đối với thiếu nhi, nhà thơ Tố Hữu đã viết nên những vần thơ: “Và các em có hiểu vì sao/ Lòng Bác mênh mông vẫn dạt dào/ Yêu nụ mầm non, yêu tuổi trẻ/ Biển thường yêu vậy sóng xôn xao” (“Theo chân Bác”, 1-1970).
Bác Hồ mong muốn thiếu nhi mạnh khỏe, sung sướng
Cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (1948) của tác giả Trần Dân Tiên đã viết lại những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chứng kiến về đời sống của thiếu nhi ở Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) khi Người đặt chân lên đất nước này.
Cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” viết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu trẻ em nên Người nghiên cứu kỹ đời sống thiếu nhi ở Liên Xô. Chẳng hạn, lúc mới đẻ, mỗi đứa trẻ ở Liên Xô được giúp tiền may quần áo, được uống sữa lọc trong chín tháng không mất tiền. Mỗi tuần bác sĩ đến thăm khám nhiều lần. Người mẹ được nghỉ hai tháng trước, sau khi sinh đẻ và vẫn được hưởng lương.
Những đứa trẻ Liên Xô được gửi ở những vườn trẻ và có người chăm sóc. Trẻ em được chu cấp áo quần sạch sẽ, được tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống đầy đủ. Tất cả đồ chơi đều do vườn trẻ cung cấp. Ngoài trường học thì có đội thiếu nhi chăm sóc các em. Các thành phố lớn đều có cung văn hoá của thiếu nhi. Các thành phố đều có thư viện và cửa hàng sách đặc biệt cho trẻ em. Thiếu nhi có một tờ báo riêng. Những trẻ em đặc biệt có thiên tài được chính phủ giúp đỡ.
Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra: “Nói tóm lại, cái gì tốt nhất đều để dành cho trẻ em. Nếu nước Nga chưa phải là một thiên đường cho tất cả mọi người, thì nước Nga đã là một thiên đường của trẻ con… Người ta khuyên bảo trẻ, không bao giờ mắng hoặc phạt và trẻ em luôn luôn ngoan. Nhờ sự săn sóc như thế, trẻ em lớn lên tươi đẹp như hoa hồng mùa xuân”[1].
Thiên đường của thiếu nhi này khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ đến thiếu nhi Việt Nam. Người cũng muốn thiếu nhi Việt Nam “sung sướng, mạnh khỏe như những trẻ em Nga”[2].
Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam. (Ảnh tư liệu lịch sử)
Bác Hồ luôn mong muốn thiếu nhi được sống trong hòa bình
Vào đêm 10-6-1942, ngôi làng Lidice ở Tiệp Khắc bị phát xít Đức bao vây. Nguyên do là vì bọn phát xít Đức tình nghi người trong làng Lidice liên quan đến vụ sát hại Reinhard Heydrich (người đứng đầu Cơ quan An ninh Quốc gia Đức Quốc xã và là Toàn quyền của Đức Quốc xã tại Các Vùng bảo hộ Bohemia và Moravia ở Tiệp Khắc) vào ngày 4-6-1942.
Ngôi làng Lidice bị phát xít Đức san phẳng đến mức nhà thờ, nghĩa trang cũng không còn dấu vết. Tất cả nam giới từ 15 tuổi trở lên bị bắn ngay tại rìa làng. Tất cả phụ nữ bị đưa vào tại tập trung ở Đức và nhiều người đã chết tại đó. Đặc biệt, tất cả 105 trẻ em, bé nhất là 1 tuổi, lớn nhất là các em gái 16 tuổi, bị gom lại, tách khỏi mẹ. Có 23 trẻ em có các đặc điểm thuần chủng của người Aryan đã may mắn thoát chết do được chọn lựa tham gia chương trình “cải tạo” trong các gia đình phát xít Đức. Còn 82 em còn lại bị đưa vào trại tập trung ở Ba Lan và sau đó bị đầu độc bằng hơi ngạt.
Để tưởng nhớ đến các trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc xã sát hại nhẫn tâm, vào năm 1949, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1-6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1-6 hàng năm trở thành Ngày Quốc tế Thiếu nhi.
Ở nước ta, trên Báo Sự thật số 134 xuất bản đúng Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên (1-6-1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trong thư, Người viết: “Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới… Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng”.
Trong “Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi” đăng trên Báo Cứu Quốc số 1828 xuất bản ngày 29-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng ngày 1-5 là ngày mà tất cả những người lao động thế giới tỏ tình đoàn kết, đấu tranh thì ngày 1-6 là “ngày của các cháu nhi đồng trong thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình”.
Trong dịp Tết Trung thu năm 1952, trên Báo Nhân Dân, số 75, ngày 25-9-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Thư Trung thu gửi các cháu nhi đồng ở vùng tự do, vùng du kích, vùng tạm bị chiếm và ở ngoài nước: “Mục đích của Bác và Đoàn thể cùng Chính phủ là cốt xây dựng cho các cháu đời sống thái bình, tự do, sung sướng”.
Bởi vậy, khi đến thăm hữu nghị Tiệp Khắc vào năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm làng Lidice, nơi xuất phát của Ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6) đầy ý nghĩa.
Ngày 17-7-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam tới Praha, mở đầu cuộc thăm hữu nghị Tiệp Khắc. Ngay ngày hôm sau, ngày 18-7-1957, Người đã thăm trại hè của thiếu nhi Tiệp Khắc, cách Thủ đô Praha 60km. Người thăm hỏi sức khỏe của các em thiếu nhi, dự liên hoan văn nghệ và nhận tặng phẩm do các em tự làm tặng Người.
Cũng ngày hôm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm làng Lidice, cách Thủ đô Praha 16km, nơi bị phát xít Đức triệt hạ trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Người cùng với Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Việt Nam đặt vòng hoa tại đài kỷ niệm Lidice. Tại nơi đây, Người đã nói: “Chúng ta quyết phấn đấu để cho trên thế giới không bao giờ có những cảnh thảm sát như ở Lidice nữa, để con cháu chúng ta không bao giờ phải nếm mùi khủng khiếp của chiến tranh, để con cháu chúng ta lớn lên sung sướng trong hòa bình”.
Bác Hồ luôn quan tâm đến phong trào thiếu nhi
Ngày 15/-5-1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Hội Nhi đồng cứu quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập với 5 đội viên đầu tiên là: Nông Văn Dền với bí danh Kim Đồng; Nông Văn Thàn, tức Cao Sơn; Lý Văn Tịnh, tức Thanh Minh; Lý Thị Ni, tức Thủy Tiên và Lý Thị Xậu, tức Thanh Thủy. Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được bầu làm đội trưởng đầu tiên.
Bốn ngày sau khi lập Hội Nhi đồng cứu quốc, Mặt trận Việt Minh cũng được thành lập (19-5-1941). Hội Nhi đồng cứu quốc đã ngay lập tức tham gia vào Mặt trận Việt Minh. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần kêu gọi các em thiếu nhi hãy tham gia vào Hội Nhi đồng cứu quốc, thành viên của Mặt trận Việt Minh.
Tết Trung thu năm 1946, khi đất nước đã được độc lập, mặc dù bận rộn với những công việc quan trọng của đất nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không quên làm thơ gửi cho thiếu nhi:
Bác mong các cháu chăm ngoan
Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng
Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng
Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam.
Tuy nhiên, thực dân Pháp lại quay lại xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, toàn dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tháng 2/-1948, dù đang bận trăm công ngàn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn theo sát phong trào thiếu nhi. Người căn dặn: “Các cháu tổ chức những đội Trần Quốc Toản... Trước thì giúp những nhà chiến sĩ, nhà thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. Sức các cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy. Thí dụ: quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ quốc ngữ... Các cháu nên hiểu rắng: giúp đỡ đồng bào tức là tham gia kháng chiến... luyện tập tinh thần siêng năng và bác ái để sau này trở thành công dân tốt”.
Năm 1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thơ để nói lên tình thương yêu vô bờ bến của Người đối với thiếu nhi:
Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh
Tính các cháu ngoan ngoãn
Mặt các cháu xinh xinh
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình...
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh.
Năm 1955, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm chi viện cho miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà. Năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi thiếu niên, nhi đồng cả nước và Người đã dành tình cảm thân thương, trìu mến mà rất mộc mạc chân tình:
Thân ái chúc các cháu
Vui vẻ mạnh khỏe
Đoàn kết chặt chẽ
Thi đua học hành
Tiến bộ mau lẹ.
Năm 1959, trong dịp sang thăm hữu nghị Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm các cháu thiếu nhi Việt Nam đang học ở Moscow. Nói chuyện với các cháu, Người căn dặn: “Các cháu cố gắng học tập để sau này về phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, góp sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, để xứng đáng là người đã được Ðảng, Chính phủ, nhân dân và thầy giáo Liên Xô săn sóc, dạy bảo, để tiếp tục sự nghiệp đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, cho chủ nghĩa cộng sản mà các cháu đang làm và sau này các cháu phải làm”[3].
Trong thư gửi các cháu miền Nam năm 1965, trong hoàn cảnh đế quốc Mỹ và chư hầu đổ quân vào miền Nam và cả dân tộc đang đứng lên chống lại chúng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi gắm niềm tin vào các em thiếu niên, nhi đồng:
Nam Bắc sẽ sum họp một nhà,
Bác cháu ta sẽ gặp mặt trẻ già vui chung.
Nhớ thương các cháu vô cùng,
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi.
Bác Hồ căn dặn mọi người, mọi ngành phải quan tâm chăm sóc và giáo dục thiếu nhi
Trên báo Nhân Dân số 2391 ra ngày 5-10-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn các cháu thiếu nhi rằng: “Nhờ Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến cứu nước thắng lợi, các em đã sinh trưởng trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhờ Đảng sǎn sóc và Đoàn giúp đỡ, các em sẽ cố gắng về mọi mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Dịp Quốc tế Thiếu nhi 1-6-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân, số 5526, ngày 1-6-1969. Người nhấn mạnh: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ”. Người kêu gọi: “Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.
Nghe theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hăng hái thi đua tham gia phong trào “Hai tốt”, phong trào “Thiếu nhi làm nghìn việc tốt”. Chính những đóng góp của các em thiếu niên, nhi đồng đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây đất nước.
Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (năm 1989) vào ngày 20-2-1990.
Bên cạnh đó, khoản 1 điều 37 Hiến pháp 2013 quy định như sau: Trẻ em được Nhà nước, gia đình, xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em. Tại khoản 2 điều 58 Hiến pháp 2013 cũng đã quy định: Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hoá gia đình.
Hiện nay cả nước có khoảng 26 triệu trẻ em, trong đó có hơn 12 triệu đội viên, thiếu niên, nhi đồng. Thiếu nhi Việt Nam luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp các ngành chăm lo; ngày càng có điều kiện, môi trường sống tốt hơn trong sinh hoạt học tập, rèn luyện, vui chơi giải trí và có sự phát triển tốt hơn về thể chất và tinh thần. Điều này cho thấy nước ta đã thực hiện tốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ thiếu niên, nhi đồng.