Ngày đăng: 27-08-2024     Tác giả: Hoàng Vũ     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Cây bông giấy ngũ sắc (BGNS) ở xã Phú Sơn, thật sự lên ngôi vào 12-6-2024 tại buổi Đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP do UBND huyện Chợ Lách tổ chức với số điểm gần 58, đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Cây BGNS xuất hiện ở xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách cách nay khoảng 10 năm. Bản thân cây bông giấy chỉ có hoa màu đỏ, ở giữa bông có nhụy màu trắng. Ông Huỳnh Thanh Tâm người có trên 30 năm kinh nghiệm trồng bông giấy ở ấp Lân Đông, xã Phú Sơn cho biết: “Cây bông giấy có tên khoa học là Buogainvillia Spectabilis, xuất xứ từ Brazil đã vào Việt Nam từ hàng trăm năm qua, ngày nay nó xuất hiện nhiều ở các làng hoa kiểng và sân nhà của người dân. Theo quan niệm dân gian, bông giấy còn giúp xua đuổi tà ma, ngăn chặn những điềm xấu. Thế là vào khoảng năm 2000, phong trào trồng bông giấy làm kiểng phục vụ Tết nổi lên ở ấp Lân Đông, xã Phú Sơn. Từ cây bông giấy 1 màu đỏ, các nghệ nhân ghép các màu: Vàng, hồng, trắng, cam, vàng cam, vàng chanh, tím… vào 1 cây. Nhưng đa phần, khách hàng chỉ thích 1 cây có 3 màu (tam sắc) hoặc 5 màu (ngũ sắc). Các nghệ nhân ghép còn hay ở chỗ bố trí mắc ghép cho ra màu nằm ở vị trí nào theo ý muốn (đa số hoa màu trắng nằm ở trên cùng)”.

Trong làng bông giấy Lân Đông có vườn bông giấy nổi tiếng của bà Nguyễn Thị Phương với khoảng 1ha đất trồng hết 4 loại: bông giấy treo, bông giấy tàng, bông giấy bonsai, bông giấy kiểng cổ, tổng cộng khoảng 6.000 chậu. “Chuẩn bị cho tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, tôi làm khoảng 500 chậu BGNS hình nón lá (là biểu tượng) của phụ nữ Việt Nam. Nếu có hiệu quả tốt, trong những năm tiếp theo tôi nhân rộng với số lượng lớn. Cây bông giấy phần nón lá có đường kính vành nón rộng nhất từ 60cm (đối với cây cao khoảng 50cm từ mặt chậu) đến 1,8m (đối với cây cao khoảng 3,5m tính từ mặt chậu kiểng)”, bà Phương phấn khởi về tạo dáng mới cho bông giấy.

 

Cây bông giấy ở Phú Sơn được tạo hình nón lá, sau đó ghép 5 màu bông giấy khác nhau vào mỗi cây. (Ảnh: Hoàng Vũ)

 

Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn Đặng Quốc Việt cho hay: “UBND xã chọn BGNS để tham dự đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP năm 2024 (do UBND huyện Chợ Lách tổ chức), vì nó quá đẹp sau nhiều năm khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng (nhất là ở Hà Nội). Vì vẻ đẹp của BGNS, UBND xã đang vận động các hộ dân trong xã hãy lấy cây BGNS làm công rào và hàng rào. Qua đó, góp phần làm đẹp Làng văn hóa du lịch Chợ Lách với nhiều con đường “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp (nhờ BGNS). Hiện nay, toàn xã đang trồng khoảng 400.000 cây BGNS chuẩn bị phục vụ tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025. Hoa giấy tập trung nhiều nhất tại Làng bông giấy Lân Đông”.

Được biết, sau khi dựa vào Bộ tiêu chí của sản phẩm OCOP với các tiêu chí đánh giá như: tổ chức sản xuất; phát triển sản xuất; sức mạnh cộng đồng; tiếp thị; câu chuyện về sản phẩm; cảm quan dinh dưỡng tính độc đáo của sản phẩm; tiêu chuẩn sản phẩm; khả năng xuất khẩu, phân phối tại thị trường quốc tế. BGNS của xã Phú Sơn đạt thứ hạng 3 sao vì: Sản phẩm có tính đặc thù được quản lý và thương mại ổn định. 

Chủ tịch Nông dân xã Phú Sơn Võ Tấn Đức phấn khởi: “Từ nay đến cuối năm 2024, Hội Nông dân xã sẽ thành lập “Hợp tác xã Hoa giấy Phú Sơn”. Dự kiến ban đầu có khoảng 23 thành viên, vốn điều lệ 23 triệu đồng, tổng diện tích khoảng 6ha tại ấp Lân Đông, sản phẩm hơn 15 ngàn chậu/năm. Hàng năm, sẽ kết nạp  thành viên vào Hợp tác xã”.

Trong ngày 16-7-2024, tại Lễ ra mắt Bộ nhận diện thương hiệu Làng văn hóa du lịch Chợ Lách, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh nhấn mạnh: “Cuột thi cổng rào đẹp, hàng rào xanh rất cần mỗi gia đình người dân phát huy nét đẹp của cây BGNS để Đề án “Làng văn hóa du lịch Chợ Lách” ngày càng thành công. Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh của cây BGNS để tham gia lễ hội hoa kiểng cuối năm 2024 của huyện”.