Ngày đăng: 13-11-2024     Tác giả: Giồng Tre     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Nhằm giải quyết căn cơ và thấu đáo hiện tượng sụt lún đất vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn tiến ngày càng nhanh và trầm trọng hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các tỉnh trong vùng xây dựng Đề án Phòng, chống sụt lún đất, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng ĐBSCL đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Thực trạng sụt lún (hạ thấp) đồng bằng

Sụt lún đất trên toàn vùng ĐBSCL diễn ra kéo dài với tốc độ chậm nên khó quan sát được bằng mắt thường, nhưng theo kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế, tốc độ sụt lún này lớn hơn nhiều lần so với sự gia tăng của mực nước biển, hầu hết các vùng trên đồng bằng đều xảy ra lún từ 0,5-3 cm/năm; các vùng ven biển phổ biến lún từ 1,5-2,5 cm/năm, nhiều nơi lớn hơn 2,5 cm/năm, trong khi nước biển dâng khoảng 0,3 cm/năm-thấp hơn nhiều so với hạ thấp đồng bằng.

Kết quả đo đạc về sụt lún đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện vào các năm 2014, 2015, 2017 so sánh với giá trị đo năm 2005 cho kết quả tương tự, trong đó đáng lưu ý phân vùng mức độ lún khu vực TP. HCM và ĐBSCL như sau: (i) Vùng không lún khoảng 2,4 nghìn km2 (ở 4 tỉnh, thành phố: TP. HCM, Long An, An Giang và Kiên Giang); (ii) Vùng có mức độ lún nhỏ hơn 5 cm khoảng 12,16 nghìn km2 (thuộc các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An); (iii) Vùng lún từ 5-10 cm khoảng 8,43 nghìn km2 (ở 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang); và (iv) Vùng lún lớn trên 10 cm khoảng 3,39 nghìn km2 (ở 9 tỉnh: TP. HCM, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau). Ngoài ra, còn khoảng 15,85 nghìn km2 chưa phân vùng mức độ lún vì chưa có số liệu.

Sụt lún đất trên diện rộng làm hạ tầng xây dựng nhiều năm trước nay có thể không đủ cao độ theo yêu cầu, đặc biệt hệ thống công trình chống lũ, ngập úng, thoát nước ở các đô thị nên đã tác động đáng kể đến hiệu quả của các công trình so với thiết kế ban đầu. Sụt lún đất diện rộng là gia tăng nguy cơ ngập úng của ĐBSCL tác động không nhỏ đến phát triển của các ngành kinh tế.

Sụt lún đất cục bộ đã và đang diễn ra rất khốc liệt tại hầu hết ở các tuyến đường dọc theo bờ kênh, rạch, thậm chí tại một số tuyến đê biển, nhất là tại những vùng được ngọt hóa (nước trong các kênh rạch bị cạn kiệt) thuộc bán đảo Cà Mau (BĐCM), đặc biệt tại hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2016 đến mùa khô năm 2024, vùng BĐCM đã xuất hiện 2.137 điểm sụt lún đất tại các tuyến đường giao thông nông thôn và đê bao ven kênh, rạch với tổng chiều dài 53 km. Riêng tỉnh Cà Mau có hơn 1.685 điểm/41,892 km (TP. Cà Mau có 21 điểm/0,754 km, huyện U Minh có 23 điểm/0,914 km, huyện Trần Văn Thời có 1.641 điểm/40,224 km) và Kiên Giang có hơn 452 điểm/11,329 km. Thời gian xảy ra sụt lún thường xảy ra trong mùa khô, bắt đầu từ tháng XII và kéo dài đến tháng IV, đặc biệt là tại những năm hạn hán khốc liệt, kéo dài (2015-2016, 2019-2020, 2023-2024), khi mực nước trên các kênh, rạch hạ thấp, cạn kiệt, thậm chí nứt nẻ đáy.

Sụt lún cục bộ đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định cơ sở hạ tâng, nhất là hạ tầng giao thông, đê điều, thủy lợi khu vực vẹn sông kênh, rạch.

Thấy được hiện tượng sụt lún ĐBSCL đang là vấn đề cấp thiết cần phải làm rõ và cung cấp thêm luận cứ khoa học để có bức tranh tổng thể, toàn cảnh và hoàn chỉnh hơn về tình trạng sụt lún đất ở ĐBSCL hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre đã tham mưu cấp có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học về sụt lún ở tại địa phương nhằm góp phần giải quyết vấn đề chung của ĐBSCL. Kết quả nghiên cứu của đề tài: “Nghiên cứu thực trạng sụt lún, ngập úng và đề xuất giải pháp thích ứng tại xã đảo Hưng Phong, huyện Giồng Trôm” đã xây dựng được bộ tài liệu, số liệu có giá trị tham khảo về vấn đề ngập lụt, sụt lún. Hiện tượng ngập úng diễn ra nhiều vào thời điểm cuối mùa mưa, dịp cuối năm; Địa hình khu vực nghiên cứu khá bằng phẳng, bị chia cắt nhiều bời các kênh rạch nối ra sông lớn, cao độ phổ biến từ +0,5m đến +2,2m; Nguyên nhân ngập úng theo đánh giá chủ yếu do triều cường và sụt lún đất, không có nguyên nhân do khai thác nước dưới đất kể từ năm 2020. Hiện trạng ngập úng và sụt lún đang diễn ra nghiêm trọng, mức ngập phổ biến từ 30-90 cm tùy theo thời điểm ngập trong năm và mức độ sụt lún là 1 – 30 cm. Xác định xã Hưng Phong bị ngập do 04 nguyên nhân là: i) do triều cường; ii) do mưa lớn; iii) do sụt lún nền đất; (iv) Nguyên nhân khác: lũ thượng nguồn, BĐKH, NBD; chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất. Bên cạnh đó, cơ chế gây ngập úng cũng chia thành ba loại như sau: (i) Cơ chế ngập úng do triều cường; (ii) Cơ chế ngập úng do mưa; (iii) Cơ chế tổng hợp. Ba nguyên nhân gây sụt lún ở KVNC theo tác nhân tự nhiên là (i) Nội sinh: sự tự cố kết của các lớp trầm tích trẻ, đang nén lại; (ii) Ngoại sinh: sự gia tăng tải trọng từ phát triển dân cư, cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải trên nền đất tự nhiên đang nén lại; (iii) Nguyên nhân khác: sự thay đổi phù sa do khai thác thượng nguồn.

Đề tài: “Điều tra thực trạng, đánh giá chế độ dòng chảy, xu thế diễn biến các bãi bồi, cồn nổi ven sông và đề xuất giải pháp khai thác tổng hợp” đã góp phần cung cấp bộ cơ sở dữ liệu điều tra, khảo sát tài liệu cơ bản, dữ liệu về quá trình diễn biến, chất lượng môi trường và đa dạng sinh học của hơn 15 bãi bồi cồn nổi. Đã đánh giá nguyên nhân hình thành, dự báo xu thế diễn biến, xác định chế độ thủy động lực và đề xuất các giải pháp khai thác hợp lý trong kế hoạch trung và dài hạn ở các bãi bồi cồn nổi. Đề xuất được danh mục các dự án cần thực hiện để khai thác bền vững các bãi bồi cồn nổi.

Nguyên nhân: Sụt lún do quá trình tân kiến tạo (yếu tố địa chất): sụt lún này có thể xảy ra không đều, theo các khối địa chất, thậm chí có khối địa chất còn nâng lên, hạ xuống. Xu hướng sụt lún diễn ra lâu dài, hàng trăm năm thậm chí hàng ngàn năm, tốc độ có thể vài mm/năm.

Sụt lún do cố kết tự nhiên của các lớp địa tầng (yếu tố địa kỹ thuật): các lớp đất sét yếu dần bị nén chặt, quá trình này diễn ra tự nhiên với tốc độ chậm, lâu dài.

Do hạ thấp mực nước ngầm: việc khai thác nước ngầm quá mức tại vùng ĐBSCL phục vụ sản xuất, sinh hoạt được đánh giá là một trong số những nguyên nhân cơ bản gây sụt lún đất. Theo kết quả điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường về hiện trạng khai thác nước dưới đất cho thấy, trên toàn vùng ĐBSCL có khoảng 7.730 giếng khoan khai thác nước dưới đất với quy mô từ 10 m3/ngày đêm trở lên để phục vụ cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, với lưu lượng khai thác khoảng 1,45 triệu m3/ngày đêm, ngoài ra còn có khoảng 650 nghìn giếng khai thác nhỏ lẻ, với lưu lượng khai thác khoảng 550 nghìn m3/ngày. Khai thác nước dưới đất phục vụ cấp nước sinh hoạt của nhân dân chiếm khoảng 42% lượng khai thác, phục vụ sản xuất nông nghiệp 40% và sản xuất công nghiệp khoảng 18% lượng khai thác. Tổng lượng khai thác nước dưới đất hiện tại của ĐBSCL ước tính chỉ chiếm khoảng 10% tổng trữ lượng có thể khai thác của các tầng chứa nước, tuy nhiên việc khai thác nước dưới đất tập trung chủ yếu trong các tầng chứa nước có độ sâu trong khoảng 80 - 200m và khai thác tập trung với mật độ cao ở các khu vực đô thị, khu công nghiệp gây ra tình trạng hạ thấp mực nước sâu, có nguy cơ vượt quá mức cho phép.

Xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị; cơ sở hạ tầng giao thông; các cơ sở sản xuất, chế biến; hoạt động của các phương tiên giao thông vận tải đường bộ;...làm tăng tải trọng và gia tăng độ rung lắc trên bề mặt đất.

Sụt lún cục bộ vùng ĐBSCL diễn ra vào mùa khô và thường xảy ra tại ven các kênh, rạch. Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ, ngoài những nguyên nhân gây sụt lún toàn vùng đồng bằng nêu trên, sụt lún cục bộ còn do lòng kênh, rạch bị khô kiệt vào mùa khô làm giảm “phản áp” của các khối đắp (đê, đường giao thông nông thôn).