Các chủ trương, định hướng lớn phát triển ngành khoa học và công nghệ
Ngày 25/3/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Công văn số 411/BKHCN-ĐMST về việc thông tin về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trong đó, cung cấp một số thông tin về các chủ trương, định hướng lớn về phát triển khoa học và công nghệ.
Đây là những thông tin quan trọng, cập nhật các định hướng, chỉ đạo mới về phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phục vụ cho việc đề xuất, xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025-2030 của các địa phương, cụ thể với 19 chủ trương, định hướng lớn phát triển ngành khoa học và công nghệ như sau:
1. Phát triển Khoa học Công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN, ĐMST&CĐS) Quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị Quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bức phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
2. Phát triển lực hượng sản xuất mới (kết hợp giữa nguồn nhân lực chất lượng cao với tư liệu sản xuất mới, hạ tầng chiến lược về giao thông, CĐS, chuyển đổi xanh) gắn liền với quan hệ sản xuất. Trong đó, trọng tâm là thực hiện cuộc cách mạng về KHCN, ĐMST&CĐS Quốc gia; xác lập phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - phương thức sản xuất số, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số.
3. Bộ 3 KHCN, ĐMST&CĐS là động lực chính để phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị Quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, phát triển bức phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
4. Kinh phí cho nghiên cứu phát triển đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%. Bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KH,CN,ĐMST&CĐS Quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
5. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt; Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KHCN, ĐMST&CĐS Quốc gia”.
6. Thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước.
7. CĐS là phương thức phát triển mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. CĐS là cốt lõi của cuộc CMCN 4.0.
8. Phát triển nhanh và bền vững đất nước phải dựa vào KHCN, ĐMST, chuyển đổi xanh và CĐS.
9. Hiện đại hóa các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường trên cơ sở CĐS, thực hiện số hóa toàn diện. Thí điểm và nhân rộng, phổ cập các mô hình thành công về CĐS cho các cấp, các ngành.
10. Phát triển bưu chính đáp ứng hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế số, nhất là thương mại điện tử; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới. Bưu chính đảm bảo dòng chảy vật chất trong thế giới thực, tương xứng với dòng chảy dữ liệu trong nền kinh tế số, xã hội số.
11. Hạ tầng số tạo ra không gian phát triển mới, phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy CĐS Quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội hội số.
12. Kinh tế số đóng vai trò ngày một quan trọng, trở thành động lực chính để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
13. Nền tảng số là hạ tầng mới trên không gian mạng giải quyết các bài toán cụ thể của CĐS.
14. Phát triển xã hội số đi đôi với tạo dựng các giá trị văn hóa phù hợp với thời đại số, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa thế giới, làm giàu đời sống tinh thần của người Việt Nam.
15. Nhân lực số, kỹ năng số: Phát triển nguồn nhân lực số là then chốt để thực hiện CĐS hiệu quả và bền vững, đại học số và đào tạo lại là giải pháp cho nguồn nhân lực số. Phổ cập kỹ năng số là chìa khóa để người dân được tiếp cận kiến thức, trang bị khả năng để tham gia tích cực và thụ hưởng bình đẳng các thành quả trong quá trình CĐS, chung tay xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện.
16. Thể chế cho hoạt động trên môi trường số đi trước kiến tạo phát triển kinh tế số và xã hội số, đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy ĐMST.
17. “Quản trị số” là quản trị dựa trên công nghệ số và dữ liệu số để đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, là thành phần quan trọng của hiện đại hoá quản trị Quốc gia. Quản trị số góp phần đổi mới mô hình quản trị Quốc gia, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý.
18. “Công nghiệp công nghệ số” là ngành công nghiệp nên tảng, phát triển theo hướng tự chủ, tự cường Make in Viet Nam. Trong đó Việt Nam cần nắm bắt thời cơ tham gia ngành công nghiệp bán dẫn và phát triển công nghiệp bán dẫn gắn liền với phát triển công nghiệp điện tử, CĐS; tận dụng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm bán dẫn chuyên dụng cho phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo”. Thúc đẩy chương trình phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ công nghệ cao, chuyên môn sâu đóng vai trò nhà cung cấp quan trọng cho các tập đoàn lớn, doanh nghiệp FDI để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
19. “Trí tuệ nhân tạo” là công nghệ nền tảng quan trọng, tạo ra giá trị mới của kinh tế số, tạo bước phát triển đột phá về năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh Quốc gia.