Ngày đăng: 25-04-2025     Tác giả: Huy Phục     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Ký ức chiến tranh (30/4/1975-30/4/2025)               

Lần nầy về Mỏ Cày, khác hơn những lần trước không phải đợi phà. Xe chạy bon bon trên cầu Hàm Luông, nhìn những rạng dừa xanh bát ngát, rợp bóng dài thẳng tấp hai bên bờ Hàm Luông, mới cảm nhận dược cái đẹp của thiên nhiên, cái hùng vĩ của dừa “ngày xưa chở che ta đi đánh giặc”. Qua giữa cầu, gió thổi từng cơn man mát, chạnh lòng nhớ lại những chuyến phà đêm trong mùa gió chướng, sóng vổ bập bùng quanh thân phà tạo cho con người có cảm giác lắc lư, đu đưa theo từng nhịp sóng, nghe còn vọng đâu đây tiếng ai hò vượt sóng Hàm Luông.

Phải mất hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi mới đến nghĩa trang. Ông quản trang, dẫn chúng tôi đi đọc tên từng hàng bia mộ, nhưng không có tên những người, chúng tôi tìm nằm đây. Ông quản trang nói: sau tiếp quản 1975 cho đến nay, đã trải qua nhiều đời quản trang mới tới tôi. Nhưng theo tôi biết, khi hòa bình, có nhiều gia đình đến đây lấy hài cốt đem về quê chôn cất, không biết hai liệt sĩ mấy chú hỏi, có nằm trong số được gia đình lấy hài cốt về quê không?

Những năm chiến tranh ác liệt, giặc Mỹ rải chất độc hóa học cặp mé sông Hàm Luông, từ Vàm Nước Trong xã Định Thủy, đến vàm Tân Hương xã Minh Đức, huyện Mỏ Cày thành một vùng đất trắng, không còn màu xanh cây trái. Còn chăng, chỉ là cây Me với cây Tre, chống chọi yếu ớt được.

Tôi được trên phân công, phụ trách một chốt gồm: tôi, Trung và Đoàn, làm nhiệm vụ bảo vệ đầu cầu chuyển đạn từ những con tàu không số cặp Bến huyện Thạnh Phú về R

Lúc nầy, là thời điểm giặc Mỹ đưa quân về chiến trường Bến Tre, thực hiện chiến thuật “hạm đội nhỏ trên sông”. Cho nên, lúc nào trên dòng sông Hàm Luông, cũng có nhiều Tàu chiến, bo bo địch neo đậu. Vượt sông Hàm Luông thời đó, có khi phải đổi lấy mạng sống.

Địa điểm đóng quân của chúng tôi, cách mé sông Hàm Luông không xa, cho nên ngày nào cũng hứng chịu đạn pháo của tàu giặc. Mỗi lần chúng chạy ngang, là bắn xối xả vào bờ, vì nơi đây là điểm bắn phá hằng ngày của chúng. Thời đó, quần áo chúng tôi mặc thường bằng vải nylon, để khi xuống công sự bị ướt mau khô. Mặc đồ ngày nào cũng bị ướt, nên ba anh em ai cũng bị bệnh lác và ghẻ ngứa.

Trung sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân nghèo, có truyền thống cách mạng. Do chiến tranh ác liệt, nên chỉ học được lớp vở lòng, trong ngôi trường làng rồi tham gia kháng chiến, ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Trung công tác, ở một đơn vị thuộc huyện Giồng Trôm, khoảng hơn hai năm mới chuyển về công tác với tôi. Là dân lao động, ngày 2 buổi ngoài đồng, tuy da xạm đen, nhưng thân hình chắc nịch, liền lạc, ít nói, ít cười, không bộc trực, sống nội tâm.

Ngày mới về nhận công tác, tôi giới thiệu sơ bộ về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị cho Trung hiểu, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho Trung, nó làm thinh không hỏi lại tôi câu nào, rồi lấy võng ra gốc cây giăng nằm.

Thấy Trung buồn, tôi ra gợi chuyện, xem nó có tâm tư gì không.  Nhưng Trung bảo, không có gì đâu anh ơi, vì đêm hôm qua em thức khuya. Nhưng tôi thấy, trong bụng nó có gì đó chưa tiện nói ra, vì trong đôi mắt vẫn còn lắng đọng giọt lệ.

Tôi nói: em ngủ chút đi, cho đỡ mệt, mai mốt anh em mình còn tâm sự dài dài.

Thấy tôi xách miệng chài lội xuống rạch, Trung ngồi bật dậy nói: Cho em đi với!

Nó nắm lấy miệng chài nói: anh đưa em chài cho, anh cầm cái thùng đi.

Hai anh em đi hơn một tiếng đồng hồ, đã đầy một thùng cá, tôm, tép. Nó quăng miệng chài tròn do, còn tôi quăng méo sẹo. Được biết, ở nhà ngoài giúp gia đình làm ruộng, ngày nào nó cũng đi chày, (nhưng là chày thưa), kiếm chút tôm, cá, để bán mua gạo, nuôi sống gia đình. Trong chuyến đi chày ấy, tôi mới hiểu, Trung đã yêu thầm cô láng giềng, cách nhà nó 2 dây đất.

Ở nông thôn Việt Nam nói chung, ở nam Bộ nói riêng, “tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau”, đó là đạo lý làm người, là phương châm đối nhân xử thế. Chính cái đạo lý đó, đã gắn kết họ lại với nhau, từ đời nầy sang đời khác và trở thành lẽ sống của mỗi con người.

Gia đình Trung với Duyên, tuy không họ hàng ruột thịt. Nhưng bên nhà Trung có hữu sự gì, gia đình nhà Duyên cũng qua giúp, từ tang gia, kỵ cơm, cho đến làm đồng… và ngược lại gia đình Duyên có hữu sự gì, gia đình Trung cũng qua giúp đỡ, đó là tình người chân thật, không phải xã giao, như thời kinh tế thị trường bây giờ, để mưu cầu lợi ích. Chính mối quan hệ đó, mà Trung với Duyên chơi thân với nhau từ nhỏ. Từ tình bạn, dẫn đến tình yêu, nẩy nở lúc nào không hay.

Trung kể: nhớ hồi đó, tụi em khoảng chừng hơn mười tuổi, em đang xách nước, Duyên đứng bên kia rạch, vẫy tay gọi em đi bắt óc, em bỏ thùng nước xách cái vỏ chạy theo. Em bắt được chừng nửa giỏ óc, còn Duyên bắt được mới mấy con. Duyên nói: bên kia óc nhiều, qua bên đó bắt. Hai đứa lội qua rạch, em lội qua đến bờ, còn Duyên lội đến nửa rạch bị nước cuốn, chìm xuống đáy. Em phóng nhanh ra giữa dòng nước, lặn xuống đáy vớt Duyên lên để trên đám lát, thân người Duyên bầm tím, không còn hơi thở. Quýnh quá, em bật khóc và la lên. May mà có chú Năm, nhà kế bên chạy ra sóc nước, làm hô hấp nhân tạo. Duyên tỉnh dậy, khóc ra tiếng. Chú Năm cõng Duyên về nhà, rước thầy thuốc điều trị.

Sau vụ đó, Cha, Mẹ em cấm không cho em với Duyên đi chơi chung. Nhưng chỉ được một thời gian, tụi em lại rủ nhau đi bắt óc, hái rau… Theo dòng thời gian, tụi em gắn bó với nhau khắng khít hơn, càng gần Duyên em càng thấy Duyên đẹp hơn, đáng thương và đáng yêu hơn.

Do là chị gái lớn trong gia đình, Duyên đảm đang tất cả các công việc, từ trong nhà ra ngoài đồng. Em thương, yêu Duyên vì Duyên điềm đạm, chất phát, không đua đòi, sa hoa. Mặt khác, còn ở tính trung thực, thật thà, hiền dịu và rất nữ tính.

Có lần, Duyên rủ em đến nhà người bạn. Nhưng hôm đó, chài trúng nhiều tôm quá, em mãi mê đi chài đến tối về muộn. Sang nhà, thấy Duyên ngồi ngoài hiên khóc, em năn nỉ hoài Duyên không chịu, em bỏ ra về, Duyên chạy theo nói: mai mốt không chơi chung nữa, rồi chạy vào nhà. Mấy tuần sau, em qua tìm Duyên, Duyên đều lánh mặt không muốn gặp em. Em không có cách nào làm hòa. Em về nhà không đêm nào ngủ được.

Sáng hôm đó, cha em không ra đồng, gọi em lên nhà trên nói: chuyến nầy, trên về xã mình rút tân binh, cha đã hứa với xã cho con đi Bộ đội rồi. Lớn rồi, phải theo các anh, các chú tham gia kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ở nhà tụi nó đi ruồng lỡ bị bắt, đi tù thì khổ lắm.

Nhận được tin lên đường, dù biết Duyên còn giận, nhưng em nghĩ phải qua cho Duyên biết. Duyên đang ngồi giặt đồ, thấy em, Duyên bỏ vào nhà, em gọi với theo, Duyên ơi! có chuyện gấp lắm. Duyên đi ra chỗ em đứng nói: “chuyện gì?”. Nhưng nét mặt vẫn còn hờn dỗi.

Mai mốt mình đi xa.

Đi đâu, sao không nói cho người ta biết sớm. Nét mặt Duyên từ hờn dỗi, chuyển sang lo lắng, hai giọt nước mắt lăn tròn trên má. Không khi nào, em thấy thương Duyên hơn bữa gặp đó.

Đêm chia tay, tụi em thức trắng đêm, dù hai gia đình biết, nhưng không nỡ ngăn cách. Duyên ngã đầu vào vai em và nói: chuyến di nầy lành hay dữ, mong những diều an lành sẽ đến với chúng ta. Nhưng, cường độ chiến tranh ngày càng ác liệt, điều lành ít hơn điều dữ, đã biết thế, nhưng cái bụng vẫn có cái gì đó lo lo. Mình chia tay nhau lần nầy, muôn bề cách trở, chắc khó có dịp gặp nhau, nhớ nhau chỉ còn biết gọi thầm tên nhau mà thôi, hoặc ra chỗ mình ngồi đêm nay, để mà nhớ, mà thương. Chỉ mong ai đó cách mặt, chứ đừng cách lòng…

Từ đêm chia tay đó đến nay, tụi em chưa một lần gặp mặt. Hôm qua, được tin Duyên bị thương, do tụi nó bắn pháo trúng nhà, gia đình đã đưa lên tỉnh điều trị, không biết bây giờ ra sao…

                                        **

Đoàn, vác khẩu súng AK vào hỏi nhỏ bên tai tôi: mình có lính mới hở anh?

Tôi nói, Trung từ đơn vị huyện mới chuyển về đó, vào làm quen đi!.

 Đoàn bước tới nắm tay Trung hàn quyên…

Khác với Trung, Đoàn, là con út của một gia đình, trông thư sinh hơn. Tuy nó mới học lớp ba trường làng, tính cách cởi mở, hay nói, hay cười, khuôn mặt như con gái, má lúm đồng tiền, sống hòa đồng, dễ gần gủi, thích tìm hiểu cái mới, cái lạ. Cha hy sinh lúc Đoàn vừa lên ba, được mẹ và anh, chị nuông chìu, không phải lao động vất vả như Trung, nên cơm, áo, gạo, tiền, cải hoạt… của chốt Đoàn không biết làm, chỉ một mình Trung gánh vát.

Có một hôm, Trung đi chài về, có việc phải đi công tác gấp, tôi ở ngoài sông quan sát mấy chiếc bo bo. Nên Trung giao việc nấu cơm, làm cá, kho cá cho Đoàn.

Thấy tôi về đến, Đoàn chạy ra nói: em nấu cơm bên sống, bên khét chắc Trung về nó la em lắm.

Đúng như Đoàn lo, Trung đi công tác về vừa mệt, vừa đói bụng thấy nồi cơm như thế, cá làm không đánh vảy để vậy kho. Trung nói: ở nhà ai nấu cơm cho Đoàn ăn?

Đoàn nói: mẹ với mấy chị tôi nấu, tôi chỉ có ăn, khỏi phải rửa chén.

Trung nói: Đoàn có hư không?.

Đoàn trả lời: có cái hư, cũng có cái nên.

Thấy không khí căng thẳng, tôi xen vào.

Hai em, người nhường nhau một lời. Đâu phải, mọi chuyện trên đời hễ lọt lòng mẹ là biết hết, có học, có làm mới biết chứ. Từ nhận thức, đến thực tiển là một quá trình, lao động sáng tạo của con người, của loài người. Đoàn dở chuyện bếp núc, nhưng có thể lĩnh vực khác Đoàn giỏi hơn. Hai em, phải thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong công tác, trong sinh hoạt để cùng tiến bộ, để cùng hoàn thành nhiệm vụ.

Nhớ một hôm, tôi đi công tác về, thơm mùi canh chua tép, tôi nếm thử khen ngon. Trung nói, em chỉ Đoàn nấu đó anh.

Tôi nói: Đoàn nay tiến bộ rồi đó, nếu mình chịu học, thì việc gì cũng làm được.

Đã mấy ngày, hết tiền, hết gạo Trung và Đoàn đi đào mì, hái rau, hái đu đủ trong vườn bà con mình bỏ hoang để về nấu ăn thay cơm. Đoàn than với tôi, ăn xót ruột quá anh ơi, nhưng tôi cũng đành bó tay. Đơn vị thì liên lạc không được, còn xung quanh không có nhà dân để mượn gạo. Trung bưng nồi chuối nấu lên. Đoàn nói, chuối nửa anh Bảy ơi!. Trung nói: mai Đoàn với anh Bảy đi chài, em ở nhà làm món nầy ăn thử xem sao.

Trung đi, khoảng hơn một tiếng đồng hồ, mang về mấy củ mì, một buồng chuối xiêm, một cái vỏ hộp sữa bò, bỏ xuống đất, lấy dao đục hộp sữa bung ra thành mảnh, rồi lấy đinh đóng từng lổ nhỏ làm cái bàn mài, để mài mì.

Sáng hôm sau, tôi với Đoàn thức dậy sớm đi chày, được một ít tôm, tép. Khi về, thấy Trung lấy mì ra mài thành bột, vắt bỏ nước, chỉ lấy bột cho vào nồi hấp cách thủy. Cắt chuối ra từng trái, chẻ làm hai lấy muỗng nạo ruột, vỏ thành từng viên nấu (như nấu bánh canh).

Thấy tôi và Đoàn về Trung hỏi: chài có nhiều cá, tép không anh?.

Tôi chưa kịp trả lời, Trung chạy ra, gở cái thùng trên tay tôi reo lên, nhiều quá!.

Anh và Đoàn ra võng nghỉ đi, để em làm cho.

Trung lấy dao, làm tôm để riêng, tép để riêng. Khi rửa sạch, bỏ tép vào nồi chuối nấu, còn tôm thì lột vỏ, bầm nhiển ướp nước mắm, bột ngọt xào chín làm nhưng, ăn với mì hấp (kiểu làm bánh mặn). Nấu chín, Trung kêu tôi và Đoàn vào ăn. Ăn món nào, Đoàn cũng khen ngon.

Từ ngày về công tác chung với tôi đến nay, đây là bữa ăn Đoàn khen ngon. Chắc ngon, vì đã mấy ngày ăn chuối, mì, nấu và rau luộc. Mặt khác, Trung chế biến món ăn ngon, ăn không xót ruột. Ăn xong, Đoàn ra võng nằm đu đưa và nói: Mai mốt anh em mình đi chài, để Trung ở nhà nấu cơm.

Trung chạy ra chỗ tôi với Đoàn nằm nói: hình như có tiếng tàu chạy, để em ra quan sát. Trung mang khẩu AK trên vai, mang cái óng dòm trước ngực chạy ra hướng sông.

 Tôi với Đoàn ngồi dậy chưa kịp vào nhà, bỗng một loạt M16 nổ hướng Trung chạy, kèm theo tiếng la. Đứng lại! đứng lại. Sau đó, tàu địch bắn xối xả vào yểm trợ.

Tôi phóng nhanh vào nhà, lấy súng kéo Đoàn nhảy xuống công sự. Tôi nói: em ở đây, anh ra tìm Trung xem nó có sao không. Nhưng, không thể nào chạy ra hướng Trung được, vì địch tập trung hỏa lực bắn xối xả vào đội hình. Tôi và Đoàn chạy sang phía bên kia rạch. Bọn lính tràn vào đốt chòi. Khi thấy nồi canh chuối, nồi mì hấp còn nóng nói: nó còn trốn đâu đây, tụi bây tìm bắn chết mẹ nó hết, không được bỏ sót thằng nào.

Tôi và Đoàn, chạy khỏi đội hình đóng quân của địch, nhưng thấp thởm lo âu. Đoàn cứ hỏi tôi: theo anh, Trung có sao không anh? tôi an ủi Đoàn, chắc Trung không sao. Nhưng trong bụng cứ cầu mong, cho Trung tay qua nạn khỏi. Thấy Đoàn mệt, tôi bảo trải vải mũ nằm nghỉ chút đi cho khỏe. Mới nằm xuống, đoàn đã ngáy rồi!.

Không đêm nào, tôi thấy nặng nề như đêm nay. Đoàn thì đã ngủ say, còn Trung bây giờ ở đâu? Sống chết ra sao. Nhở Trung chết thật, ngay loạt đạn đầu, thì dù có cầu mong chăng đi nữa, thì Trung cũng đã an phận. Những suy nghĩ vu vơ, cứ đeo đuổi trong tôi đến nữa đêm. Từng cơn gió thoáng qua, làm lạnh trong xương, thỉnh thoảng tiếng tôm tít lại bún chóc chóc, nghe rợn người, hình như có bước chân người đi. Tôi quan sát không thấy ai, ngã mình bên gốc cây, thiếp đi lúc nào không hay…

Giật mình thức dậy, Thấy Trung và Đoàn ngồi bên tôi. Tôi không biết mình mơ hay tỉnh… Khi tôi ngồi dậy, thấy Trung và Đoàn ai cũng rơm rớm nước mắt. Trung khóc, vì cứ nghĩ tôi với Đoàn đã bị lính bắn chết. Trung nói: Lúc em ra chưa tới mé sông, thấy một tốp lính, thằng đi đầu trong tư thế ngắm bắn em, em ngã xuống mương, nó bắn đứt mấy tàu lá chuối, em lội qua rạch chạy sang đây luôn. Khi qua đến bên đây, em trèo lên cây thấy tụi nó đốt chòi, em cứ nghĩ tụi nó bắn anh và Đoàn chết rồi bỏ vào chòi đốt xác…

Qua trận đó, không bao giờ tôi cho Trung và Đoàn đi quan sát tàu nữa. Có việc, tôi trực tiếp đi…

                                        **

Hôm về họp chi bộ, chi bộ giao tôi kèm cặp Trung và Đoàn để phát triển Đảng (vì Trung và Đoàn là Đoàn viên). Đồng chí Bí thư chi bộ nói: phải làm cho Đoàn và Trung, hiểu rõ mục đích, lý tưởng của Đảng, nhiệm vụ, quyền lợi của người Đảng viên, để từ đó làm động lực cho hai đồng chí phấn đấu vào Đảng.

Ở chốt có ba anh em, nhưng tối ngủ chỉ giăng có 2 cái mùng. Vì Đoàn, không dám ngủ riêng, do ở nhà ngủ chung với mấy anh quen rồi. Còn Trung, thì thích ngủ riêng. Mỗi tối, khi vào mùng ngủ, Đoàn thường nói: anh cho em đàn tranh một chút (vì ngày nào cũng ngâm nước dưới công sự, nên Đoàn bị bệnh ghẻ ngứa, mà nằm ngủ trên vải mũ, đổ mồ hôi ngứa chịu không nổi. Không gảy, ngủ không được).

Có đêm, Đoàn hỏi tôi: hôm rồi anh nói với em và Trung, phải phấn đấu vào Đảng. Vậy Đảng là vì hở anh? Vì sao phải vào Đảng? Tôi nói đại ý là, vào Đảng để cùng toàn dân, đánh đuổi Đế quốc Mỹ xâm lược và bọn tay sai bán nước, giành độc lập tự do cho dân tộc mình (hồi xưa trước khi vào Đảng, đâu có học bài bản như bây giờ). Đoàn nói: vậy phấn đấu như thế nào, để vào Đảng? Tôi nói: mình phải công tác tốt, mưu trí, dũng cảm, vượt qua khó khăn thử thách, dám xã thân hy sinh, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Đoàn nằm suy nghĩ một hồi rồi nói: vậy khó quá hở anh!

Một sáng, chị mười giao liên CK của đơn vị qua chốt, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị là: bằng mọi cách, phải nối liên lạc được với chốt ở Thạnh Ngãi. Tôi kêu Đoàn và Trung đến bàn, để phân công người đi. Tôi sinh hoạt nội dung, đến chốt Thạnh Ngãi làm việc xong, Đoàn và Trung đều xung phong đi. Cuối cùng, tôi quyết định cử Trung đi.

Trung mới đi được một ngày, thì địch đổ quân đánh phá trên tuyến đường Trung đi qua. Ngày nào Đoàn cũng nói: không biết Trung đi tới chỗ không anh? Đoàn càng nhắc Trung, tôi càng không ăn ngủ được. Hơn một tuần lễ sau, Trung mới về tới chốt, gương mặt hốc hác. Đoàn chạy đến ôm Trung, rưng rưng nước mắt…

Những lần đi công tác sau, tôi đều phân công Đoàn đi với Trung, để có khó khăn, cùng gánh vác và cũng để tôi yên tâm.

Một đêm, khi vào mùng ngủ Đoàn nói: Trung chắc vào Đảng trước em, vì Trung công tác tốt hơn em. Tôi nói: em nhận xét về Trung có mặt đúng, nhưng em cũng có mặt tích cực. So với lúc đầu mới về công tác ở chốt, thì em tiến bộ nhiều lắm, nhưng phải phấn đấu như Trung.

Đêm đó, Đoàn trăn trở hoài không ngủ. Tôi nghĩ, chắc Đoàn lo mình không được vào Đảng. Tôi tuy nhắm mắt, nhưng chẳng ngủ được. Nhìn đồng hồ, đã gần 5 giờ sáng, Đoàn đang ngáy. Xa xa, có tiếng tàu địch, tôi ngồi dậy nhè nhẹ, sợ Đoàn thức giấc, mang súng ra ngoài sông quan sát, thấy có một đoàn tàu đang cặp mé chuẩn bị đổ quân.

Tôi chạy vào, đánh thức Đoàn và Trung dậy. Nhưng trên đường chạy vào, pháo địch đã bắn cấp tập vào địa bàn đóng quân. Khi vào đến nơi, Đoàn và Trung đã chuẩn bị sẵn sàng. Tôi kêu Đoàn và Trung ra dãy công sự phòng ngự sát mé đồng, còn tôi đi quan sát địch. Khi đi tôi dặn, nếu địch không phát hiện, tuyệt đối không được nổ súng.

Tôi mới đi được khoản 50 mét. Trung gọi, nó ở phía sau lưng anh đó, nằm xuống, tôi ngã xuống gốc dừa. Một loạt súng nổ rát mặt, địch bắn cấp tập vào dãy công sự phòng ngự, nhưng không dám tiến vào.

Dứt tiếng súng khoản 15 phút, tôi bám vào dãy công sự phòng ngự, chứng kiến một cảnh tượng khủng khiếp, không thể ngờ nó lại xảy ra. Đoàn chết tại chỗ, mặt cháy đen, hai cánh tay đứt lìa. Trung đứt hai chân, máu ra rất nhiều, tôi lấy băng cá nhân, băng các chỗ động mạch chân bị đứt, nhưng máu chảy trôi hết, đành cởi áo quấn vết thương. Trung nằm nhắm mắt, nhưng miệng vẫn kêu, đau quá anh ơi, chắc em sống không nổi. Đoàn có sao không anh?.

Mỗi lần Trung kêu đau quá, tôi nghe như có hàng ngàn mũi kim đâm vào trái tim mình. Trung nói trong đứt quảng, tiếng được, tiếng không. Trong cái bồng bột của em, có chiếc khăn rằng mẹ em cho; có chiếc khăn tay Duyên tặng em, đêm tiển em lên đường. Sau đó, Trung trút hơi thở cuối cùng trên tay tôi.

Tôi gọi Trung ơi! Trung ơi!... không có tiếng trả lời, tôi bế xác trung chạy vào chòi, rồi ngã quỵ xuống đất… Khi tỉnh dậy, tôi chạy ra ôm Đoàn vào chòi, lấy vãi mũ, bó xác Trung và Đoàn lại, đặt ngay ngắn giữa căn chòi của chốt và chạy ra vườn chặt buồng chuối sả ra 2 nải, dằn trên xác mỗi đứa một nải (hồi nhỏ, ở quê tôi có người chết bà con đều làm như vậy, vì sợ con linh miêu nhảy qua xác chết, người chết sống lại thành ma).

Tôi ngồi chết lặng, như cái xác không hồn, giữa hai thi thể nằm bất động. Không còn nước mắt để khóc! cho hai người em, hai người đồng chí mà tôi thân yêu nhất, cứ ngỡ không có thế lực nào, làm chúng tôi chia ly vĩnh viển được.

Chiến tranh, chiến tranh!. Dẫu biết chiến tranh là thế, nỗi đau chồng lên nỗi đau, không thể vơi đi được… Từng cơn gió thổi nhè nhẹ, nhưng nghe lạnh buốt trong xương tủy. Ngoài hiên chòi, tiếng dế vẫn gáy đều đều như hàng đêm, nhưng có cái gì đó nghe bi ai. Con thằn lằn trên nóc chòi, thỉnh thoảng lại tắc lưỡi.

Không đêm nào, tôi thấy cô độc, lẽ loi, hiu hoạnh trống vắng… như đêm nay, thèm nghe tiếng người, dù đó là tiếng khóc thảm thiết. Tôi đứng dậy, đến lấy cái bồng bột của Trung, tìm những kỷ vật mà Trung trăn trối.

Chiếc khăn rằng mẹ Trung cho, vẫn còn nguyên chưa sử dụng; chiếc khăn tay Duyên trao, có thêu hai trái tim, tuy đường chỉ thô sơ, nhưng chất chứa trong đó một tình yêu chân chất, một sự gởi trao trọn vẹn nỗi nhớ nhung thầm kín, một niềm tin yêu của người con gái, đang tuổi vào yêu.

Tôi bước đến bên thi thể của Trung tự hỏi: nếu lúc sáng, Trung không nổ súng vào tốp lính đi sau lưng tôi, thì người ngã xuống chính là tôi. Trung và Đoàn chết, để tôi sống. Tôi ngã quỵ bên thi thể của Trung và Đoàn nằm bất tỉnh lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy, đã thấy mọi người vây quanh…

Tôi cố lê những bước chân nặng nề, tiễn Trung và Đoàn lần cuối đến nơi an nghĩ cuối cùng.