Ngày đăng: 26-04-2025     Tác giả: Lư Thế Nhã     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Năm 2009, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc tuyên bố ngày 22-4 là ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất, một tên gọi nêu lên lòng tri ân của con người với trái đất, người mẹ với tình thương bao la đã và đang nuôi sống con người và vạn vật.

Khi tạo thiên lập địa, trái đất chúng ta có non xanh, nước biếc, sông nước hiền hòa, khí hậu mát mẻ, trong lành, đất đai màu mỡ, cây lành trái ngọt, hoa đẹp thơm ngát khắp mọi miền, sông, biển nhiều tôm cá...

Trái đất dành nhiều sản vật ưu ái cho đời sống con người nhưng nhiều người không biết giữ gìn mà còn gây nhiều thương tổn cho Mẹ Trái Đất.

Trái đất kêu cứu

Con người vì tư lợi đã khai thác, tàn phá đến cạn kiệt các nguồn lợi thiên nhiên, đó là những cánh rừng nguyên sinh bị khai thác lấy gỗ, đốt phá rừng làm nông. Việc phá rừng đầu nguồn khiến núi đồi trơ trọc, làm mất đi lớp lá dày, thân, rễ cây rừng che chắn nước, mỗi khi mưa to, bão lớn, dòng nước trên cao cuồn cuộn chảy tạo nên lũ ống cuốn phăng làng mạc, rồi núi lở, đất lở, vùi lấp biết bao nhà cửa, sinh vật sống trên mặt đất, trong đó có con người. Việc phá rừng còn làm mất đi  nơi lưu giữ khí carbon (CO2) và sinh quyển tạo nên bầu không khí trong lành cho con người.

Con người còn hủy hoại môi trường sống của chính mình qua khai thác, sử dụng dầu mõ, than đá. Những nguyên liệu, nhiên liệu này khi đốt cháy, thả khí carbon vào bầu khí quyển gây thủng tầng ozon mà tầng ozon có tác dụng lọc tia cực tím (hay còn được gọi là tia UV), đây là loại tia gây ra bệnh ung thư và đục tinh thể ở người. Tầng ozon khả năng có thể ngăn tới 97-99% tia cực tím có từ bức xạ ánh sáng mặt trời, ngăn bức xạ xâm nhập đến vỏ trái đất gây ảnh hưởng và đe dọa đến cho thảm thực vật.

Việc xả thải khí CO2 vào môi trường sẽ làm cho trái đất nóng dần lên làm lớp băng dày ở hai đầu cực trái đất tan chảy khiến nước biển dâng lên. Dựa vào dữ liệu vệ tinh từ năm 1994-2017, các biện pháp đo đạc tại chỗ và mô phỏng trên máy tính, nhóm các nhà khoa học Anh đã tính toán được rằng thế giới mất đi trung bình 800 tỷ tấn băng/năm trong thập niên 1990, nhưng con số này đã tăng lên 1.200 tỉ tấn băng trong vài năm gần đây.

Băng tan chảy với tốc độ như vậy, kịch bản quốc gia của Việt Nam về biến đổi khí hậu cho thấy: đến năm 2100, nước biển dâng cao đến 100cm, các vùng đất thấp ven biển sẽ bị ngập cùng với xâm nhập mặn cao và sâu hơn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và nơi cư trú của con người, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long  là nơi có hơn 700km bờ biển và các cửa sông thông ra biển. 

 

Du khách trồng cây bần (thủy liễu) trên bãi bồi sông Bến Tre

 

Việc hủy hoại môi trường sống của con người còn có trong canh tác nông nghiệp, đó là sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc hóa chất diệt sâu, rầy, khi phun, xịt rơi xuống đất, nước gây chết côn trùng có lợi cho đất canh tác và các loài thủy sản. Các loại hóa chất dùng trong nông nghiệp khi phun xịt còn phát tán vào không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hóa chất diệt sâu rầy lưu dẫn vào cây, trái, nguy hại đến sức khỏe người dùng. Chai, lọ đựng hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng, người nông dân thải trên đồng ruộng, ao, hồ, gây ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và nhiều động vật khác. Sử dụng phân bón hóa học không kèm phân hữu cơ, ngày càng làm cho đất đai chai cứng vì mất đi độ tơi xốp, phì nhiêu.

Trong chăn nuôi, việc xả thải phân, nước trực tiếp ra sông, rạch cũng là hủy hoại môi trường sống của con người bởi việc xả thải như vậy, môi trường ô nhiễm, gây ra dịch bệnh, con người sẽ không còn không khí trong lành để thở và dòng nước sạnh cho đời sống hàng ngày.

Trong sản xuất công nghiệp, việc xả thải không qua khâu xử lý cũng gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đó là khói bụi trong không gian, nước chứa hóa chất độc hại gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu. Đã có không ít vụ việc nhà máy sản xuất xả thải nước chưa qua xử lý gây chết hàng loạt các loài thủy sản, nguồn nước ô nhiễm không sử dụng cho sinh hoạt, tưới tiêu được.

Trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, con người còn hủy hoại môi trường sống của mình là rác thải nhựa mà nhiều nhất là bao ni-lông. Rác nhựa thải ra môi trường khi vỡ ra thành những hạt vi nhựa dưới 5mm, mắt thường không thể nhìn thấy được. Những hạt vi nhựa này xâm nhập vào cơ thể con người qua đường ăn uống, hít thở... vào gan, thận, máu, cơ thể con người không lọc, không bài tiết được, tích tụ vào tế bào ngày một nhiều, làm mất khả năng hoạt động của chúng. Hạt vi nhựa bay trong không khí xâm nhập cơ thể con người qua đường hô hấp gây nhiều bệnh về phổi, hạt vi nhựa bám vào thức ăn, lơ lửng theo dòng nước sông, biển là mối nguy hại với sức khỏe con người và các loài thủy sản. Hạt vi nhựa xâm nhập vào cơ thể con người sẽ đi vào máu, vào não ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, trí nhớ và dẫn đến các bệnh nan y, tử vong. Ở sông, biển cá ăn phải những hạt vi nhựa này, tế bào thịt cá có hạt vi nhựa, con người ăn cá sẽ  bị nhiễm hạt vi nhựa và cơ thể không thể lọc thải được, dần dần bị nhiễm bệnh vì hạt vi nhựa. Rác thải nhựa, bao ni-lông đang trở thành vấn nạn không chỉ ở Việt Nam mà còn cả các nước trên thế giới khi mỗi năm con người trên toàn cầu thải ra 8,8 tấn rác thải nhựa, trong đó có 5,25 nghìn tỷ miếng rác nhựa đang tồn tại trong nước biển.

Cần được chữa lành

Trái đất là nguồn sống của con người, khi trái đất bị hủy hoại chết đi thì con người không còn nơi sinh sống. Do vậy, bảo vệ, giữ gìn môi trường trong lành cho trái đất là trách nhiệm của mỗi người trên hành tinh này.

 

Du khách trồng cây ở rừng ngập mặn, khu du lịch “ Người giữ rừng”, huyện Bình Đại.

 

Để có lại bầu không khí trong lành, sông nước hiền hòa, đất đai màu mỡ, Nhà nước nên tổ chức trồng nhanh lại rừng: rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, trồng cây xanh ven đường, ven sông, trong cơ quan, trường học... Mỗi con người chúng ta hãy chung tay chữa lành cho mẹ trái đất, mỗi nhà có đất nông nghiệp, trồng thêm nhiều cây trái, nhà ở đô thị ít đất hoặc không đất, nên trồng hoa kiểng ở sân nhà, ban công hoặc các loại cây xanh có thể sống trong phòng khách, phòng làm việc... Cây xanh thanh lọc không khí, lưu trữ khí CO2, ở những cánh rừng đại ngàn là nơi sinh quyển tốt.

Trong sản xuất và sử dụng năng lượng nên chuyển nhanh sang năng lượng tái tạo: năng lượng gió, mặt trời, dùng xe điện thay xe chạy bằng xăng dầu để giảm thải khí carbon. Trong mỗi gia đình hãy tắt đèn khi không cần thiết vì sử dụng nhiều đèn sẽ làm cho không khí nóng lên, nhiệt độ trên trái đất tăng cao, băng trên núi cao, băng ở hai đầu cực trái đất tan chảy.

Trong canh tác nông nghiệp nên hướng về hữu cơ thay hóa chất: dùng phân hữu cơ là phân chuồng, phân rác, thực phẩm dư thừa do gia đình tự ủ hay sử dụng phân hữu cơ sản xuất từ các nhà máy bón cho cây trồng. Bón phân hữu cơ sẽ giúp đất khỏe, côn trùng có lợi sinh sôi làm cho đất canh tác tơi xốp, cây sống bền, sản lượng tăng cao. Ngược lại dùng phân thuốc nguồn gốc vô cơ (hóa học) trong canh tác nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, đất trồng cây không còn màu mỡ. Sử dụng phân, thuốc hữu cơ trong trồng cây, ta sẽ có cây xanh tốt, sống bền và cho trái ngon, an toàn cho sức khỏe con người.

Một vấn đề nan giải trong xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày là bao ni-lông. Tác hại của rác thải nhựa, bao ni-lông như đã đề cập ở phần trên, là mối nguy hại với sức khỏe con người và nhiều sinh vật, cần mọi người hành động ngay: “Nói không với bao ni-lông”, bỏ thói quen sử dụng bao ni-lông bằng việc dùng lá chuối gói rau, trái, thực phẩm. Dùng bao, túi làm bằng vật liệu hữu cơ mỗi khi đi mua sắm hàng hóa.

Bảo vệ môi trường sống, chữa lành những hư tổn trên trái đất, còn nhiều việc phải làm ngay. Nhân Ngày Mẹ Trái Đất 22-4, chúng ta hãy cùng hành động từ ngày này đến nghìn nghìn năm sau bằng những việc chữa lành cho trái đất trở lại xanh đẹp như bài hát: “Trái đất này là của chúng mình” của nhạc sĩ Trương Quang Lục:

“Trái đất này là của chúng mình
Quả bóng xanh bay giữa trời xanh
Bồ câu ơi tiếng chim gù thương mến
Hải âu ơi cánh chim vờn trên sóng
Cùng bay nào, cùng bay nào cho trái đất quay...”