Người cao tuổi góp sức đánh Mỹ, cứu nước
Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), người cao tuổi nước ta đã phát huy tinh thần tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Bác Hồ khẳng định: “Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn”
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 -1975), ở miền Bắc có nhiều hội viên phụ lão đã tích cực tham gia xây dựng những “cánh đồng 5-10 tấn thắng Mỹ”, với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, giành danh hiệu “Phụ lão 3 giỏi”. Nhiều cụ mạnh khỏe còn tham gia các đội “Bạch đầu quân”.
Ở chiến trường miền Nam, nhiều cụ đã ngày đêm đào hầm nuôi giấu cán bộ, giúp đỡ quân giải phóng, tham gia đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị;. Các bà, các mẹ miền Nam mặc dù tuổi cao, đi tay không, nhưng đã dũng cảm đi đầu trong các đoàn biểu tình, đòi con đang bị giam cầm; kêu gọi binh lính ngụy quay súng trở về với Tổ quốc, với đồng bào, đừng đi theo đế quốc Mỹ và bọn ngụy quyền tay sai mà giết hại Nhân dân.
Trên Báo Nhân Dân, số 2387, ra ngày 1/10/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài viết “Tuổi tác càng cao, lòng yêu nước càng lớn”. Trong bài viết này, Người đã nhận định:
“Truyền thống “Điện Diên Hồng” là truyền thống yêu nước vẻ vang chung của dân tộc ta và riêng của các cụ phụ lão ta.
Mỗi khi có việc quan hệ lớn đến nước nhà nòi giống, thì các cụ không quản tuổi cao sức yếu, liền hǎng hái đứng ra gánh vác phần mình và đôn đốc con em làm trọn nhiệm vụ.
Trong thời kỳ kháng chiến, chúng ta có những đội du kích “bạch đầu quân”. Sự chiến đấu anh dũng và hy sinh oanh liệt của những “đội viên tóc bạc rǎng long” đã làm cho lũ giặc kinh hồn và khuyến khích chiến sĩ ta càng thêm dũng cảm. Các cụ đã góp phần không nhỏ vào cuộc thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta.
Ngày nay, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm nền tảng vững mạnh cho sự nghiệp đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, các cụ cũng tham gia rất hǎng hái. Ví dụ:
Các cụ phụ lão ở Nam Định, nhất là ở các huyện Hải Hậu, Trực Ninh… đã ra sức tham gia công việc tổ chức và phát triển hợp tác xã nông nghiệp.
Trong phong trào sản xuất vụ mùa thắng lợi, huyện ý Yên có 99 cụ đã được bầu là “kiện tướng” làm phân.
Đặc biệt cụ Tuyên đã làm được gần 7 tấn.
Các cụ phụ lão ở huyện Trực Ninh đã xung phong làm thuỷ lợi hơn 4.000 ngày.
Cụ Hiện, nǎm nay 73 tuổi, đã làm luôn một chuyến 13 ngày.
Trên mặt trận vǎn hoá, các cụ đã góp sức nhiều trong phong trào xoá nạn mù chữ và bổ túc vǎn hoá. Các cụ đã tổ chức những nhóm đỡ đầu nhà trường và ngày nào cũng lo đôn đốc con cháu đi học. Có những cụ đã quyên cả “áo thọ” của mình cho các lớp học đóng bàn ghế. Cụ Nguyễn Đức Âu (xã Trực Định) đã bán một cái nhà lấy tiền (500 đồng) để giúp xây dựng nhà trường.
Những việc cảm động như vậy các nơi thường có.
Chúng ta nhiệt liệt hoan hô các cụ, chúc các cụ mạnh khoẻ và sống lâu để đôn đốc con cháu xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vậy có thơ rằng:
Càng già, càng dẻo lại càng dai
Tinh thần gương mẫu chẳng nhường ai
Đôn đốc con em làm nhiệm vụ
Vuốt râu mừng xã hội tương lai.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các cụ già khi về thăm Pác Bó trong mùa Xuân Tân Sửu 1961. (Ảnh tư liệu lịch sử)
Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường lập thành tích xuất sắc
Năm 1967, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, phát huy tinh thần toàn dân đánh giặc, các bô lão ở xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đề xuất tổ chức một trung đội lão dân quân tham gia trực chiến bắn máy bay địch.
Tại hội nghị các cụ phụ lão trong xã, tất cả 150 cụ đều xung phong tham gia. Đảng ủy và Ban chỉ huy quân sự xã xét chọn được 18 cụ. Các cụ còn lại được giao trực chiến tại địa bàn thôn, xóm.
Ngày 8/8/1967, Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường được thành lập do cụ Lê Văn Hợp chỉ huy, trang bị một số súng bộ binh và 3 khẩu 12,7mm do bộ đội Hải quân tặng. Sau 15 ngày được cán bộ tỉnh đội, huyện đội mà trực tiếp là bộ đội Hải quân huấn luyện, trung đội làm lễ xuất kích, trực chiến trên cao điểm 201.
12 giờ ngày 14/10/1967, một tốp 2 chiếc F4H từ hướng biển bay vào lượn qua trận địa. Chiếc thứ nhất bị pháo cao xạ của bộ đội đón đánh, các cụ không nổ súng. Chiếc thứ hai thấy không bị hỏa lực của bộ đội ta uy hiếp, nên tỏ vẻ “hung hăng” bổ nhào xuống thấp. Đợi máy bay vào đúng phần tử bắn, các cụ bình tĩnh theo lệnh chỉ huy đồng loạt nổ súng. Ba khẩu 12,7mm rung lên với 92 viên đạn chính xác “kết liễu” số phận chiếc máy bay, đây là chiếc máy bay thứ 2400 bị bắn rơi trên miền Bắc.
Ngày 17/10/1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và gửi thư khen Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường. Trong thư, Người viết: “Tôi rất vui mừng được tin ngày 14/10 vừa qua, các cụ đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.400 bằng súng bộ binh. Tôi nhiệt liệt mừng chiến công vẻ vang của các cụ. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù giặc sâu sắc, các cụ đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thật là: Tuổi cao, chí càng cao. Đây là một gương sáng cho đồng bào cả nước tiến lên đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến thắng lợi hoàn toàn. Chúc các cụ khỏe mạnh, tiếp tục sản xuất tốt, chiến đấu giỏi, lập những chiến công mới”.
10 ngày sau đó, Trung đội lão dân quân Hoằng Trường lại bắn rơi thêm một chiếc AD6 của giặc Mỹ. Với những thành tích xuất sắc, trung đội Lão dân quân Hoằng Trường được Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Quân công hạng Ba, 1 Huân chương chiến công hạng Nhất. Ngày 25/8/1970, trung đội Lão dân quân Hoằng Trường được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Khâm phục tinh thần của các cụ thuộc Trung đội lão dân quân xã Hoằng Trường, nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-1991) đã sáng tác ca khúc “Hát mừng các cụ dân quân” với âm hưởng dân ca xứ Thanh, tiết tấu tươi vui, hân hoan: “Loa vang tin khắp nơi các cụ vừa hạ rơi máy bay/ Những cây súng bộ binh rất tài nhằm trúng tan xác ngay giữa biển trời/ Tuổi cao chí càng cao, sẵn sàng chiến đấu, khiến quân giặc Mỹ điên đầu/ Sóng vỗ ngoài khơi khắp làng xóm mừng vui”; “Nghe tin vui khắp nơi các cụ hạ thêm chiếc nữa rơi/ Rứa mới là dân quân tài, "Thần sấm", "Con ma" cũng bỏ đời/ Biển sâu núi càng cao, nức lòng trai gái, thiếu niên phụ lão anh hùng/ Quyết tâm lập công theo đường các cụ ông/ Ới dô ta đánh giặc có trẻ già gái trai rất đông”...
Ca khúc “Hát mừng các cụ dân quân” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã kịp thời ca ngợi, động viên cổ vũ toàn dân “trẻ già gái trai” hăng hái, dũng cảm chiến đấu đánh bại âm mưu chiến tranh phá hoại miền Bắc của địch, góp sức đẩy nhanh công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Mẹ Nguyễn Thị Suốt trong lần gặp và nói chuyện với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu lịch sử).
Mẹ Suốt chèo đò đưa bộ đội sang sông dưới làn mưa bom bão đạn
Mẹ Suốt (tên đầy đủ là Nguyễn Thị Suốt) sinh năm 1906 tại thôn Mỹ Cảnh, nay thuộc xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới, Quảng Bình, trong một gia đình ngư dân nghèo, thuở nhỏ đã phải đi ở suốt 18 năm. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, mẹ mới lấy chồng và làm nghề chèo đò kiếm sống.
Năm 1964, đế quốc Mỹ bắt đầu đem không quân, hải quân đánh phá miền Bắc. Miền đất Quảng Bình là một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay và hải quân Mỹ, với mục đích nhằm ngăn chặn việc chi viện của miền Bắc cho lực lượng cách mạng miền Nam.
Lúc đó, mẹ Suốt đã gần 60 tuổi nhưng vẫn xung phong nhận công việc chèo đò chở cán bộ, thương binh và vũ khí qua sông, giữ vững thông tin liên lạc giữa hai bờ. Kể từ đó, trong suốt những năm 1964 – 1967, mẹ vẫn giữ vững nhiệm vụ của mình, đã chèo hàng trăm lượt ngay cả những lúc máy bay Mỹ ném bom oanh tạc ác liệt. Tổng cộng ước tính mỗi năm mẹ Suốt qua lại đến 1400 chuyến.
Tháng 11/1965, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Mẹ Suốt”. Bài thơ sau đó lan tỏa khắp cả nước, đi vào tâm thức nhiều thế hệ người Việt Nam đến tận bây giờ. Bài thơ có đoạn:
“Một tay lái chiếc đò ngang
Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày
Sợ chi sóng gió tàu bay
Tây kia mình đã thắng, Mỹ này ta chẳng thua!
Kể chi tuổi tác già nua
Chống chèo xin cứ thi đua đến cùng!
Ngẩng đầu, mái tóc mẹ rung
Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ…
Gan chi gan rứa, mẹ nờ?
Mẹ rằng: Cứu nước, mình chờ chi ai?
Chẳng bằng con gái, con trai
Sáu mươi còn một chút tài đò đưa
Tàu bay hắn bắn sớm trưa
Thì tui cứ việc sớm trưa đưa đò…”
Trong Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1966 tổ chức ở miền Bắc, mẹ Suốt được mời tham dự. Ngày 1/1/1967, mẹ được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành Giao thông vận tải trong chống Mỹ cứu nước.
Năm 1968, trong lúc làm nhiệm vụ, mẹ Suốt đã anh dũng hy sinh bởi một trận bom đạn của kẻ thù.
Tấm gương anh hùng chống Mỹ, cứu nước của mẹ Suốt sống mãi trong lòng Nhân dân cả nước. Năm 1980, chính quyền địa phương đã cho xây dựng bia đài mẹ Suốt nằm giữa trung tâm của bến đò xưa mẹ chèo đò làm nhiệm vụ phục vụ cách mạng. Đến năm 2003, tượng đài mẹ Suốt và quần thể khu tưởng niệm đã được khánh thành, trở thành nơi du khách gần xa viếng thăm, tri ân.