Ngày đăng: 01-05-2025     Tác giả: Nguyễn Văn Toàn     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

Sự giúp đỡ về vật chất và sự ủng hộ về tinh thần của những người cộng sản và Nhân dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân Việt Nam đã trở thành tấm gương sáng chói của tình đoàn kết quốc tế vô sản.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Tại nước Pháp, sau khi tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp (1920), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia sáng lập “Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa” vào năm 1921. Sau đó, Đảng Cộng sản Pháp đã cử Người đến Liên Xô công tác và học tập từ tháng 6/1923.

Ngay khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược trở lại nước ta (23/9/1945), những người thuộc Đảng Cộng sản Pháp cùng những người Pháp tiến bộ ở Việt Nam đã thành lập Nhóm Văn hóa Mác-xít (Groupe Culturel Marxiste, GCM) vào tháng 10/1945 để ủng hộ cách mạng Việt Nam. Đến năm 1951, trước sự tấn công, truy lùng gắt gao của chính quyền thực dân, GCM bị giải thể. Với hơn 5 năm hoạt động, GCM thực sự để lại dấu ấn sâu sắc trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp tại đất nước ta.

Năm 1947, khi 18 tuổi, bà Raymonde Dien được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Pháp. Ngày 23/2/1950, được tin có một đoàn tàu chở vũ khí sang Đông Dương sắp đi qua nhà ga Tours, đảng ủy đảng bộ thành phố Tours liền thông báo gấp cho các đảng viên, các quần chúng ưu tú ra ga biểu tình. Chỉ vài giờ sau, hàng trăm người đã có mặt ở nhà ga. Khi đoàn tàu xuất hiện và không có dấu hiệu ngừng lại, bà Raymonde Dien đã dũng cảm nằm lên đường ray. Đoàn tàu sau đó đã phải dừng lại phía trước bà Raymonde Dien chỉ vài bước chân. Sau sự kiện hôm đó, bà Raymonde Dien bị bắt, bị đưa ra tòa và bị tuyên án tù. Bất bình trước bản án vô lý ấy, các cuộc biểu tình ủng hộ bà Raymonde Dien nổ ra khắp nước Pháp. Đảng Cộng sản Pháp cũng đã tổ chức các cuộc biểu tình với quy mô ngày càng lớn và thu hút thêm rất nhiều quần chúng Nhân dân. Bà Raymonde Dien sau này nhớ lại: “Tôi chỉ nghĩ rằng mình phải làm điều gì đó đặc biệt để ngăn chặn đoàn tàu và để người dân Pháp hiểu rõ bản chất của cuộc chiến”.

 

Bà Raymonde Dien (người đứng cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh), một biểu tượng của tinh thần chống cuộc chiến phi nghĩa do thực dân Pháp tiến hành ở Việt Nam. Cuộc đời bà là hiện thân cho tình cảm sắt son, thủy chung với đất nước và Nhân dân Việt Nam. (Ảnh tư liệu lịch sử).

 

Tháng 3/1947, tại cuộc tranh luận về vấn đề Việt Nam do Quốc hội Pháp tổ chức, các đại biểu Đảng Cộng sản Pháp chủ trương đình chỉ ngay chiến tranh để đối thoại với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tờ báo L’Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp ra ngày 27/1/1954 chỉ rõ: “Ý muốn chấm dứt chiến tranh xâm lược Đông Dương ngày nay đã trở thành một yêu sách của toàn dân Pháp”.

Cuộc đấu tranh bền bỉ của giai cấp công nhân và Nhân dân Pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Pháp đã góp phần vào việc buộc Chính quyền Pháp phải ký Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược ở Đông Dương.

Đảng Cộng sản Pháp sau đó cũng kêu gọi Nhân dân Pháp đấu tranh đòi Chính phủ Pháp thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Geneva, thiết lập mối quan hệ mới trên cơ sở bình đẳng với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Lào và Campuchia.

Trong bài viết “Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Đảng Cộng sản Pháp” (Báo Nhân Dân số 2476, ngày 29/12/1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Suốt 40 năm nay, Đảng Cộng sản Pháp luôn luôn anh dũng giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác - Lênin, và luôn luôn hết lòng giúp đỡ phong trào cách mạng ở các thuộc địa… Từ ngày thành lập, Đảng ta luôn luôn được Đảng Cộng sản Pháp hết lòng giúp đỡ. Một thí dụ: Trong những năm ta kháng chiến, Đảng Cộng sản Pháp đã lãnh đạo Nhân dân nước mình nhiệt liệt ủng hộ ta. Nhiều nơi, công nhân Pháp đã bãi công, không chịu chuyên chở vũ khí cho quân đội Pháp. Thanh niên Pháp thì hăng hái tuyên truyền đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược ở Việt Nam… Dù đế quốc Pháp đã áp bức bóc lột Nhân dân ta suốt 80 năm và đã phá phách đất nước ta trong cuộc chiến tranh tàn nhẫn, song Nhân dân hai nước Việt - Pháp vẫn giữ vững mối tình thân thiện. Đó là do hai Đảng ta đã luôn luôn giáo dục Nhân dân hai nước thấm nhuần tinh thần quốc tế vô sản”.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Tình đoàn kết, gắn bó giữa Đảng Cộng sản Pháp và Đảng ta tiếp tục được tăng cường trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Pháp, hàng vạn công nhân và Nhân dân Pháp đã xuống đường biểu tình chống chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Theo sáng kiến của Đảng Cộng sản Pháp, phong trào quyên góp, ủng hộ tiền bạc, thuốc men, tặng phẩm,... giúp đỡ Nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các tầng lớp Nhân dân Pháp.

Đảng Cộng sản Pháp cũng đã hết lòng giúp đỡ phái đoàn Việt Nam trong thời gian diễn ra Hội nghị Paris: cung cấp chỗ ở, phương tiện đi lại, vật dụng, tổ chức các cuộc tuần hành và chiến dịch báo chí ủng hộ phái đoàn Việt Nam. Báo L’Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp đã tạo ra một diễn đàn thực sự cho các nhà đàm phán của cách mạng Việt Nam... Đảng Cộng sản Pháp cử hai đồng chí Gasto Plissonnier (Bí thư Trung ương Đảng) và Elie Mignot giúp phái đoàn ta.

 

Bài viết “Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Đảng Cộng sản Pháp” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Báo Nhân Dân số 2476, ngày 29/12./1960. (Ảnh minh họa).

 

Đảng Cộng sản Pháp đã bố trí khuôn viên Trường Đảng Maurice Thorez cho đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng. Ngôi trường này nằm ở Choisy Le Roi - thành phố ngoại ô Paris do Đảng Cộng sản Pháp nắm chính quyền và đồng chí Fermand Dupuis làm thị trưởng. Nơi đây là một địa điểm lý tưởng, có đầy đủ tiện nghi cho đoàn đàm phán ăn ở và làm việc. Trong đó có một căn nhà, trước đây Tổng Bí thư Maurice Thorez sinh thời đã ở, nay để Bộ trưởng Xuân Thuỷ và Cố vấn Lê Đức Thọ sử dụng. Các thành viên còn lại của đoàn đàm phán ở trong một khu nhà ngay bên cạnh, có phòng đơn, phòng đôi để nghỉ, phòng ăn lớn liền với nhà bếp và có phòng tiếp khách ở tầng trệt. Để đoàn đàm phám Việt Nam ở đây, Đảng Cộng sản Pháp đã chuyển Trường Đảng tới một địa điểm khác ở Paris. Đảng Cộng sản Pháp đã dành mọi sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả cho phái đoàn ta như cử 10 người bảo vệ, 10 lái xe, 10 người phục vụ...

“Đến khi Hội nghị kết thúc, phía bạn không lấy của Đoàn bất kỳ chi phí nào, gồm cả tiền thuê nhà và số cán bộ bạn cử đến giúp đỡ và phục vụ cho Đoàn Việt Nam và Đoàn Mặt trận trong công việc bảo vệ, lái xe, cấp dưỡng, giặt là quần áo tự nguyện và không lương trong suốt hơn 4 năm” - Ông Trịnh Ngọc Thái, thành viên đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tới Paris để đàm phán với Mỹ, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp, nhớ lại.

Từ tháng 5/1968 đến tháng 1/1973, trong 203 cuộc họp của Ban Bí thư Đảng Cộng sản Pháp, có 125 cuộc đề cập đến Việt Nam và 29 lần đề cập đến các cuộc đàm phán; trong 171 cuộc họp của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp có tới 41 cuộc nói về Việt Nam và 10 lần đề cập trực tiếp về cuộc đàm phán. Những con số này thể hiện sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Biên bản cuộc họp của Ban Bí thư Đảng Cộng sản Pháp ngày 7/5/1968 đã chỉ rõ: “Việc mở ra tại Paris các cuộc đối thoại về Việt Nam là một sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là thành quả của cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam với sự hỗ trợ của tình đoàn kết quốc tế”.

Ngày 4/11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp đồng chí Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đảng, Nhà nước cùng Nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và biết ơn tình đoàn kết, sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu mà những người cộng sản và Nhân dân Pháp đã dành cho Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay; nhấn mạnh các hoạt động hợp tác hiệu quả và thiết thực giữa hai Đảng đã góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Pháp và gắn kết tình cảm Nhân dân hai nước Việt Nam và Pháp.