Ngày đăng: 15-06-2025     Tác giả: Huỳnh Thanh Văn     Chuyên mục: TIN TỨC - SỰ KIỆN

NSƯT Hồ Kiểng đã đi hết cuộc đời mình trên con đường "Nghệ thuật thứ bảy" với những vai phụ và ông được bình chọn là một diễn viên đa tài đóng được nhiều loại vai chính diện cũng như phản diện. Một số bộ phim kinh điển có ông tham gia đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng như Đất Phương Nam, Người đẹp Tây Đô, Rừng xà nu, Hòn đất, Cát bụi hè đường, Ván bài lật ngữa, Những nẻo đường phù sa,…

 

NSƯT Hồ Kiểng


Đã từ lâu lắm, những năm 1950 khi điện ảnh nước nhà còn sơ khai, khán giả lần đầu tiên thấy NSƯT Hồ Kiểng xuất hiện trên màn ảnh qua bộ phim Chung một dòng sông. Sau đó, đến những thập niên tám mươi, chín mươi thì càng nhiều hơn. Ông tập kết ra Bắc năm 1954 và cũng tham gia nghệ thuật phim ảnh ngay từ đó. Bởi vậy, thời cao tuổi, tám tư tám lăm, ông vẫn tất bật trên các phim trường, bền bỉ làm việc không ngừng và làm cho thỏa chí tang bồng, thỏa lòng đam mê với nghề mình đã chọn!

Trong suốt cuộc đời đóng phim với những vai phụ NSƯT Hồ Kiểng đã tạo không biết bao dấu ấn qua nét diễn. Như trong Đất phương Nam, Những nẻo đường phù sa, Người đẹp Tây Đô... là những vai diễn không phải tên tuổi, thân phận gì to tác và cũng không nhiều trường đoạn nhưng Hồ Kiểng đã làm cho người xem phim phải khóc, và ngậm ngùi, ray rứt.

Trong Đất phương Nam, bộ phim chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Đoàn Giỏi, khán giả Việt không quên vai "ông Ba ngủ" - nhân vật xuất hiện khi bé An (do Hùng Thuận thủ vai) đang ngồi suy tư ở bờ sông. Chỉ một bầu rượu, dáng đi ngật ngưỡng cùng vài điệu ca cổ, NSƯT Hồ Kiểng nhập vai thành công, trở thành một "dị nhân" miền sông nước Nam bộ.

 

NSƯT Hồ Kiểng bên người bạn thân nghệ sĩ Mạc Can

 

Đối với Hồ Kiểng, nghề diễn không chỉ là cái nghề mà còn là cái nghiệp đã ăn vào máu của ông vậy. Bởi thế câu "sinh nghề, tử nghiệp" với người nghệ sĩ này thật không sai chút nào.

Khi về các tỉnh miền Tây đóng phim, nhất là đối với Bến Tre, NSƯT Hồ Kiểng đi thăm nhiều bà con cô bác miệt vườn. Ông đã viết gửi Báo Đồng Khởi và Đài PTTH Bến Tre một số bài vọng cổ trữ tình hương dừa. Ông bảo, đi thực tế đóng phim miền Tây thích lắm, nghe và thấy nhiều điều mới lạ, trăn trở buộc phải viết và sáng tác lắm.  

Và, suốt cả một đời gần 70 năm hoạt động nghệ thuật (1954 - 2013) người nghệ sĩ lớn này đã sống bên lề danh vọng và sự giàu có, như số kiếp những vai phụ của ông, trong một căn nhà rộng vài chục mét vuông mà lúc nào ông cũng cười tươi, hạnh phúc. Mãi tới gần cuối đời, ông mới được chính quyền hỗ trợ cho thuê một căn chung cư nhỏ với giá ưu đãi để được sống đàng hoàng hơn. Nhớ về NSƯT Hồ Kiểng là nhớ người nghệ sĩ đã gắn đời mình với những vai diễn lão nông nghèo khổ cùng cực, bị dồn đến chân tường, với tâm niệm cả đời ông: "Làm nghệ thuật chứ không bán nghệ thuật".

NSƯT Hồ Kiểng mất ngày 3/4/2013 tại TP. Hồ Chí Minh, do căn bệnh tim quái ác. Ông ra đi ở tuổi 87 kết thúc sự nghiệp diễn xuất để lại gia tài lớn nhất của ông là 203 bộ phim, sáng tác 240 bài vọng cổ, tiểu phẩm, hài, viết được 664 bài thơ...

NSƯT Hồ Kiểng sinh năm 1926 tại xã Phước Long, huyện Giồng Trôm - quê hương của nhiều nhà báo, văn nghệ sĩ tên tuổi đã từng hiên ngang bước qua cuộc binh lửa ba mươi năm.