Một số kết quả bước đầu mô hình Trồng thâm canh sầu riêng theo GAP gắn với xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu tại huyện Chợ Lách
Tại Bến Tre hiện có khoảng 2.668 ha, đang cho trái 1.966 ha với sản lượng 26.386 tấn/năm. Diện tích trồng sầu riêng tập trung ở các huyện Chợ Lách và Châu Thành. Trong đó, huyện Chợ Lách có 1.334 ha, đang cho trái 1.018 ha, với sản lượng 13.804 tấn, năng suất bình quân 13,56 tấn /ha. Riêng xã Sơn Định có diện tích 173,9 ha là một trong các xã có diện tích và sản lượng sầu riêng tập trung của huyện. Sầu riêng là một trong các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, loại trái cây có giá trị dinh dưỡng cao và hương vị đặc biệt được đánh giá là vua của các loại trái cây nhiệt đới nên rất được ưa chuộng tại các nước châu Á.
Khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, đây là điều kiện quan trọng để quả sầu riêng của Việt Nam có đầu ra bền vững tại thị trường nầy. Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hiện Việt Nam có 1.396 mã vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói đã được GACC phê duyệt. Theo ông Huỳnh Tấn Đạt “được chấp thuận mã số chỉ là điều kiện đầu vào. Muốn trụ vững, người trồng sầu riêng phải tuân thủ chặt chẽ quy trình canh tác, xử lý sau thu hoạch và đóng gói theo đúng những gì đã cam kết. Điều đó đòi hỏi cả hệ thống, từ hợp tác xã doanh nghiệp, đến từng hộ nông dân, phải nâng cao ý thức và tự giác làm đúng”.
Tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho nông dân
Riêng Bến Tre, đến đầu năm 2024 được cấp 15 mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu với diện tích là 444 ha chiếm 22,58% diện tích đang cho trái. Với diện tích 1.522 ha sầu riêng đang cho trái còn lại các Tổ hợp tác/Hợp tác xã sản xuất sầu riêng chưa chủ động xây dựng mã số vùng trồng, chưa liên kết với doanh nghiệp thu mua làm cơ sở đóng gói, nông dân chưa áp dụng quy trình sản xuất GAP nên chưa truy xuất được nguồn gốc, chưa đảm bảo an toàn thực phẩm, làm hạn chế đến hiệu quả sản xuất do chưa bán được cho thị trường xuất khẩu. Vì vậy, để góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho người trồng sầu riêng tại địa phương Trung tâm Khuyến nông xây dựng mô hình “Trồng thâm canh sầu riêng theo GAP gắn với xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu tại huyện Chợ Lách” với mục tiêu chuyển giao quy trình thâm canh sầu riêng theo GAP để sản xuất quả đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Xây dựng thành công mã số vùng trồng xuất khẩu 10 ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc và liên kết với Công ty TNHH XNK Trái Cây Chánh Thu làm cơ sở đóng gói tiêu thụ sản phẩm và cũng là mô hình điểm để địa phương nhân rộng trong thời gian tới.
Mô hình được triển khai thực hiện tại Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng ấp Tân Thới, xã Sơn Định có quy mô 10 ha với 22 hộ tham gia. Kinh phí thực hiện mô hình từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp không thường xuyên của tỉnh. Tham gia mô hình người dân được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tập huấn về Kỹ thuật canh tác sầu riêng theo quy trình VietGAP và Quy trình cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu làm cơ sở cho việc thực hiện xây dựng, đăng ký cấp mã số vùng trồng xuất khẩu (Công văn 1776/BVTV-HTQT ngày 23 tháng 3 năm 2023 của Cục Bảo vệ thực vật) và được hỗ trợ 9.200 kg phân hữu cơ vi sinh (tương đương 23%); các loại vật tư khác như phân hữu cơ, vôi, NPK các loại được người dân đối ứng đầy đủ và kịp thời để thực hiện đúng quy trình sản xuất.
Qua thời gian thực hiện mô hình người dân đã nắm vững quy trình kỹ thuật được chuyển giao và áp dụng vào sản xuất đạt kết quả tốt. Việc sử dụng phân bón đã được người dân điều chỉnh một cách hợp lý, với việc tăng cường bón phân hữu cơ vi sinh kết hợp cân đối tỉ lệ NPK theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây, nhất là giai đoạn nuôi trái để giúp cây khỏe, sinh trưởng phát triển thuận lợi. Tỉa để trái hợp lý vừa sức nuôi của cây, thu hoạch đúng lúc khi trái đạt độ chín sinh lý phù hợp nên trái có chất lượng cao, sạch sâu bệnh. Một trong những kết quả nổi bật của mô hình là chỉ số pH đất các vườn được điều chỉnh đạt trị số pH trong khoảng 5,5-6 đã giúp khả năng hấp thu dinh dưỡng cũng như khả năng chống chịu sâu bệnh hại của cây được nâng lên, giúp vườn cây bền vững kéo dài thời gian kinh doanh. Song song đó, người dân đã nắm vững nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân biệt tên hoạt chất, tên thương mại, đối tượng phòng trừ, nồng độ sử dụng trong danh mục thuốc cho phép sử dụng trên sầu riêng năm 2024 ở Việt Nam nên đã quản lý tốt dịch hại, sản phẩm sạch sâu bệnh hại, đảm bảo hiệu quả và hạn chế ô nhiễm môi trường sản xuất.
Kết quả năng suất các vườn đạt 15,12 tấn/ha cao hơn năng suất trung bình của tỉnh khoảng 10%, sản phẩm có chất lượng cao, an toàn thực phẩm, sạch đối tượng kiểm dịch thực vật là ruồi đục quả và các loại rệp sáp, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tổ hợp tác phối hợp với Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu hoàn chỉnh hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng xuất khẩu gửi Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thẩm định để gửi Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật xem xét và gửi hồ sơ sang Hải quan Trung Quốc xét cấp mã số vùng trồng xuất khẩu.
Đại diện Công ty và THT ký kết hợp đồng hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm và tiêu thụ sầu riêng
Với những kết quả bước đầu của mô hình “Trồng thâm canh sầu riêng theo GAP gắn với xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu tại huyện Chợ Lách” đã ghi nhận sự chỉ đạo kịp thời của Sở Nông nghiệp và Môi trường, phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương và sự đồng thuận của bà con nông dân trong việc ứng dụng quy trình kỹ thuật được chuyển giao. Qua đó, đã nâng cao nhận thức, kỹ năng áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt vào sản xuất, xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu trên cây sầu riêng, thực hiện tốt liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi giá trị cây ăn trái chủ lực của tỉnh./.